Tất tần tật về công nghệ thu âm Binaural, được ví như "thực tế ảo" trong lĩnh vực âm nhạc (Phần 1)
Công nghệ thực tế ảo đang dần chiếm lĩnh thị trường, giúp người dùng tận hưởng không gian ảo một cách sáng tạo. Nhưng bạn có biết, thế giới âm thanh cũng có công nghệ tương tự, giúp người dùng "nghe" được không gian thu âm một cách trọn vẹn?
Công nghệ thu âm đã phát triển một cách mạnh mẽ trong khoảng 100 trở lại đây, từ những bộ thu âm lên đĩa từ với chất lượng dở tệ tới những dàn thu âm đắt tiền có thể thu lại âm thanh Hi-res. Nhưng có lẽ công nghệ đột phá, đưa nền âm thanh đi theo một hướng mới là công nghệ thu âm Binaural (Binaural Recording). Công nghệ thu âm Binaural là gì? Các hãng đã thu âm như thế nào? Và làm cách nào để chúng ta có thể tận hưởng chúng?
Binaural Recording là gì?
Từ trước tới nay, đa phần nhạc cụ được thu bằng 1 microphone duy nhất, nên sự khác nhau giữa 2 kênh (2 bên tai) là không quá nhiều. Để tạo hiệu ứng "3D", giúp bản nhạc thật hơn thì các hãng thu âm sẽ thêm hiệu ứng Crossfeed, giả lập cách âm thanh đi tới tai nghe. Hệ thống thính giác của con người vô cùng thông minh, nhận âm thanh ở 2 bên tai, sau đó tìm ra điểm khác biệt giữa 2 bên để xác định được vị trí âm thanh đó phát ra từ đâu, cũng giống với cơ chế hoạt động của mắt vậy. Hiệu ứng crossfeed tích hợp một chút âm thanh của kênh trái vào kênh phải và ngược lại, giúp âm thanh "nổi" hơn.
Tuy vậy đây là một kĩ thuật giả lập, không khác gì sử dụng Photoshop cho âm thanh. Chính vì vậy công nghệ thu âm Binaural ra đời. Với Binaural Recording, người thu âm sẽ đặt 2 chiếc microphone riêng biệt vào 2 tai của một đầu mannequin. Với cách thiết lập như vậy, nhà thu âm sẽ giả lập được không gian tại nơi thu tới người nghe. Người nghe những bản nhạc này sẽ có cảm giác như được đứng ở giữa bản nhạc, với 2 kênh trái và phải rất khác nhau tạo nên không gian 3D thật sự.
Làm thế nào để thu âm Binaural?
Giải thích một cách đơn giản như sau: thay vì sử dụng một microphone duy nhất để thu nhạc cho cả tai trái và phải, ta sẽ sử dụng 1 microphone cho mỗi kênh. Lí thuyết thì đơn giản, nhưng trong thực tế ta phải đặt 2 micrphone này sao cho chuẩn để hiệu ứng diễn ra tốt nhất. 2 microphone này được đặt vào mô hình đầu người bằng nhựa cứng, cách nhau đúng 18cm - khoảng cách trung bình của 2 tai người lớn. Đến phần vành tai cũng được chế tác tỉ mỉ bằng nhựa mềm để có thể nhận âm thanh giống với cấu trúc vành tai người.
Với con người hay bất cứ động vật có vú nào thì vành tai chính là phần điều hướng, điều chỉnh tần số nên tất cả phải được làm chính xác nhất có thể. Những chiếc microphone trong một bộ thu âm này cũng đều là những loại tốt nhất, có dải tầm đáp ứng rộng và có độ phân giải cao nhất có thể.
Với thiết kế đặc biệt và vô cùng tinh xảo như vậy, những bộ thu âm này có giá bán rất cao và không phải ai cũng có thể sở hữu để có thể thu âm. Bộ "đầu thu âm" từ Neumann với tên mã KU 81 có giá bán tới $8000 tương đương khoảng 180 triệu đồng! Các sản phẩm rẻ hơn với thiết kế tối giản như của hãng 3Dio cũng không có loại nào có giá dưới 10 triệu đồng.
3dio Free Space - một chiếc micrphone Binaural giá rẻ cũng có giá hơn $500!
Phần 2: Những ứng dụng và tương lai của công nghệ thu âm binaural