Kiến thức tổng quan về những loại màng loa tai nghe trên thị trường (Phần 1)
Có bao nhiêu loại màng loa tạo âm thanh tất cả, và những loại này có ưu và nhược điểm gì để ta cần biết?
Xe máy phải có động cơ, smartphone phải có vi xử lý, và tai nghe thì chắc chắn thành phần 'đầu não' ảnh hưởng đến chất lượng nhiều nhất sẽ là màng loa. Nhưng cũng giống như những thành phần của các sản phẩm khác, màng loa tai nghe không chỉ có một loại, và mỗi loại khi được sử dụng sẽ có những đặc điểm riêng mà ta cần phải biết!
Những thông tin cơ bản
- Màng loa cần gì để tạo ra âm thanh?
Để chuyển những tín hiệu từ nguồn phát thành âm thanh nghe được, màng loa cần có một nam châm, một cuộn cảm di chuyển và một lớp màng mỏng. Nhưng cũng chỉ với những thành phần cơ bản này thôi ta đã có rất nhiều những loại biến thể khác nhau rồi!
- Liệu rằng kích thước có ảnh hưởng đến chất âm
Nhiều người nhầm tưởng rằng màng loa càng có kích thước lớn thì sẽ càng hay, thế nhưng mọi thứ không đơn giản như vậy!
Đúng là màng loa càng lớn càng có những tính chất vật lý vượt trội so với màng loa nhỏ, nhưng sẽ có phụ thuộc vào rất nhiều những yếu tố khác để quyết định được chất lượng âm thanh. Đây là lý do tại sao có rất nhiều cặp tai nghe In-ear giá ngàn Đô tuyệt vời, và có những chiếc loa 'to mồm' nhưng có giá chỉ vài trăm ngàn!
- Liệu càng nhiều màng loa thì càng tốt?
Một cặp tai nghe thường có dải tần giao động từ 20Hz - 20kHz. Một số loại màng loa có thể đảm nhiệm được toàn bộ dải âm này, một số không thể làm được nên phải dùng theo 'cụm' nhiều chiếc.
Nhưng cũng giống hệt với kích thước, không phải cứ càng nhiều màng loa thì chất lượng âm thanh lại càng tăng lên. Việc trang bị nhiều màng loa cũng làm việc thiết kế một cặp tai nghe trở nên khó khăn hơn - khi được làm tốt thì kết quả sẽ rất ấn tượng, nhưng khi làm không tốt thì cũng lợi bất cập hại.
Loại màng loa phổ biến nhất thời điểm hiện tại: Dynamic
Loại màng loa được sử dụng nhiều nhất hiện nay, ở cả tai nghe, loa di động và loa loại lớn là dynamic. Loại màng này rất đơn giản, hoạt động bằng cách đưa nguồn điện đến cuộn cảm, bằng cách thay đổi dòng điện thì nam châm sẽ di chuyển ở những tần số khác nhau. Phần màng mỏng cũng sẽ di chuyển theo, và cuối cùng tạo ra âm thanh.
Loại màng loa này có ưu điểm về phần trầm vì có thể di chuyển được một lượng khí lớn tới tai người nghe, nhưng ngược lại thì có nhược điểm là độ méo lớn hơn các loại màng khác. Một cặp tai nghe Dynamic hay cần phải giảm được độ méo, cân bằng được âm bass với những thành phần khác để nó không trở thành tâm điểm duy nhất.
Ưu điểm:
- Có thể tạo ra âm bass mạnh mẽ mà không cần nhiều năng lượng
- Dễ làm nên giá thành có thể rất thấp
Nhược điểm
- Sẽ tạo ra méo tiếng ở những âm lượng cao nếu không làm tốt
Ngôi sao mới trên thị trường: Balanced Armature
Không phổ biến như Dynamic, nhưng Balanced Armature (hay BA) hiện cũng đang được nhiều hãng sử dụng vì kích thước nhỏ gọn, dễ thiết kế tai nghe In-ear hơn.
Loại màng loa này có một thanh nhỏ (gọi là Armature) được cuốn bởi một cuộn cảm nằm giữa 2 nam châm. 2 nam châm này sẽ điều khiển vị trí của thanh, và những di chuyển này dẫn tới một màng mỏng để tạo ra âm thanh.
Loại màng loa này có nhược điểm là khó có thể tạo ra âm thanh tốt ở tất cả các dải, vì vậy nên sẽ được sử dụng theo cụm nhiều chiếc (mỗi chiếc được cân chỉnh để tạo ra 1 loại âm nhất định) hoặc sử dụng bổ trợ cho Dynamic.
Ta có 2 ưu điểm của BA. Đầu tiên, loại màng loa này có thể tạo ra âm thanh cao rất tốt, với tính kim khí thường vượt trội so với màng loa Dynamic. Thứ 2, do có thể hoạt động mà không cần nhiều lượng không khí nên BA có thể được đặt ở những tai nghe kín hơn, từ đó tăng khả năng cách âm.
Ưu điểm
- Có thể được cân chỉnh để tạo 1 dải âm nhất định (thường dùng làm màng âm cao cho Dynamic)
- Độ chi tiết cao hơn, ít bị méo so với Dynamic khi được cân chỉnh chính xác
Nhược điểm
- Có giá thành cao hơn so với Dynamic
- Bị yếu ở dải trầm, cần dùng theo cụm để làm dải này tốt
Tiếp tục đọc phần 2: Màng loa từ phẳng, tĩnh điện và truyền dẫn xương