Đánh giá chi tiết tai nghe Earsonics SM64 Viên kim cương đen
Một trong những điều mà người dùng thích ở hãng điện tử âm thanh Pháp Earsonics đó là hãng biết lắng nghe những tâm tư tình cảm từ người dùng, và từ đó liên tục phát triển những sản phẩm tốt hơn. Hãng bước chân vào cuộc đua tai nghe 3 drivers Balance Armature với chiếc tai nghe SM3, và ngay lập tức dành được nhiều lời khen trên các diễn đàn âm thanh uy tín. Và chỉ một thời gian ngắn sau, hãng liền ra một phiên bản nâng cấp là SM3 v2, với phần housing và dải âm cao được thiết kế lại hoàn toàn để phù hợp với người dùng hơn
Gần đây nhất, gia đình 3-driver của Earsonics lại chào đón thêm một thành viên nữa: Earsonics SM64. SM64 được hãng tung ra thị trường như một chiếc tai nghe thay thế cho 2 sản phẩm tiền nhiệm SM3 và SM3 v2 đã trở nên lỗi thời. Nhưng với người dùng, đây là một chiếc tai nghe hoàn toàn mới, với quá nhiều thay đổi mang hướng tích cực. Để tiếp tục loạt bài viết đánh giá chất lượng âm thanh từ những chiếc tai nghe Earsonics, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem liệu SM64 có tiếp nối được những thành công mà dòng 3 driver của Earsonics đã tạo ra trước đây không?
Thiết kế và cấu hình
SM64 có những đường nét từ SM3 v2, housing được làm cong để thân thiện với tai người dùng hơn so với hình dáng vuông thành sắc cạnh của SM3 đời đầu. Mặt trong housing được làm trong suốt, ta có thể thấy được hệ thống driver, phân tần và dây nối chằng chịt. Một điểm nữa SM64 được thừa hưởng từ SM3 v2 đó là khả năng thay được dây với đầu cắm là jack 2 chấu tiêu chuẩn của các tai nghe Earsonics, Westone, Ultimate ears...
Dây SM64 về cấu trúc cũng không khác nhiều những tai nghe cùng hãng, nhưng được sơn màu bạc chứ không còn là màu đen đơn điệu nữa. Jack của tai nghe được làm hình chữ L, rất to và chắc chắn nên sẽ không bao giờ xảy ra hiện tượng gãy gập dây ở phần này
SM64 sở hữu 3 driver Balance Armature với 3 đường tiếng riêng biệt. Mỗi driver sẽ đảm nhiệm một phần âm: Trầm, trung và cao. Với cấu hình như vậy, SM64 có khả năng tái tạo được các âm thanh trong dải từ 10Hz tới 20kHz, có phần rộng hơn một chút ở dải trầm so với đa phần tai nghe trên thị trường. Độ nhạy tai là 122dB/mW, nhưng trở kháng lại khá cao, lên đến 98 Ohms!
Trải nghiệm
Độ thoải mái và khả năng cách âm
Vì có housing tròn nên phần rìa của tai nghe đeo rất khít với vành tai, tạo cảm giác nhẹ nhàng và dễ chịu, ít bị cấn. Nhưng đa phần SM64 tiếp xúc với tai là ở phần mút tai. Hãng đã thiết kế để phần nozzle (ống âm) của SM64 rất nhỏ, khi kết hợp với tips 2 tầng sẽ đi rất sâu vào tai người dùng. Khi đã chọn đúng tips, SM64 sẽ nằm gọn trong tai, tạo cảm giác hơi ù một tẹo cho những người đeo chưa quen. Nhưng khi sử dụng tai một thời gian mới thấy được lợi ích của việc đưa tai nghe vào sâu đó là khả năng cách âm rất tốt. Mình đã sử dụng SM64 ở những cung đường nhộn nhịp nhất ở Hà Nội, các âm còi xe, gió rất ít bị lọt vào với âm nhạc. Một điểm cũng cần nói đó là housing SM64 rất nhẹ vì phần vỏ được làm bằng nhựa, nên dù đeo lâu vẫn không có cảm giác mỏi tai
Phối ghép
Cũng vì có trở kháng khá lớn nên SM64 cũng cần một nguồn phát đủ khỏe. Với các máy điện thoại như iPhone, Sony Z5 hay LG G2 thì đều phải bật volume tới 80% để đủ nghe. Với một số máy nghe nhạc chuyên dụng như DX80 thì volume 2/3 (mức 100/150 ở DX80) là phù hợp. Với các amp/DAC rời thì mức volume giảm xuống còn khoảng 1/3 thì đủ
SM64 được hãng thiết kế để có thể chơi hay ở bất cứ thiết bị nào dù là điện thoại tới những set up đắt tiền. Nhưng không phải vì vậy mà phối ghép với bất cứ sản phẩm nào SM64 cũng hay. Ví dụ như Sony Z5, tuy là một DAP có chất âm rất tốt nhưng lại không phù hợp với SM64 vì cả 2 đều có tính chất âm thiên tối. Trong những set up mình được thử qua, mình thích nhất khi phối SM64 với Cayin C6, sau đó là tới DAP di động iBasso DX80. Cả 2 đều là những nguồn phát mang thiên hướng cân bằng và hơi ngả sáng, hơn nữa có một âm trường rộng rãi thoải mái nên SM64 thể hiện được hết khả năng của mình
Chất âm
SM64 sở hữu chất âm thiên tối, rất dày và nhấn nhiều vào dải trầm. Chất âm này có nhiều điểm tương đồng với SM3 cũng như SM3 v2 nhưng hãng đã tinh chỉnh rất nhiều để có một chất âm toàn diện hơn, dễ nghe hơn rất nhiều. Một điểm cực kì mạnh của chất âm SM64 nói riêng và tất cả các tai nghe từ Earsonics đó là sự mịn (smooth) nhưng vẫn rõ (clear). Mặc dù có dày đến mấy, âm bass có khỏe khoắn đến đâu thì những người quen nghe âm sáng vẫn có thể thích được! ÂM SM64 rất tự nhiên, nhất là ở những bản nhạc được thu âm ở chất lượng tốt, kĩ thuật thu âm càng cao SM64 càng có thể chơi hay!
Điểm khác biệt lớn nhất với những người tiền nhiệm và cả đàn em SM2 iFI đó là dải cao đã được cải thiện hơn rất nhiều. SM3 cũng như SM2 đều không có nhiều treble! SM64 đã được bổ sung rất nhiều ở dải này, khiến nó trở nên hoàn thiện về chất âm hơn, phù hợp với nhiều người hơn!
Bass
Như đã nói ở trên, âm trầm là dải đầu tiên người dùng nghe thấy khi đeo SM64 lên tai. Lượng trầm rất nhiều, ấm và độ vang nên tai người nghe sẽ cảm nhận thấy từng rung động. Nhưng điểm khiến chất bass này khác xa so với những âm trầm dở của những chiếc tai nghe Beats by dre đời cũ đó chính là độ sâu. Độ sâu này làm mình nhiều lần tự hỏi liệu hãng có "lén" cho thêm một driver Dynamic để đảm nhiệm dải này hay không. Thậm chí các tai nghe Hybrid cũng không có được độ sâu như thế này. Nếu như có cơ hội được nghe qua chiếc tai nghe Audezé LCD 2 thì bạn sẽ thấy được sự tương đồng ở độ sâu dải trầm. Những âm sub bass xuống tới tận những nốt cuối cùng, cảm tưởng như tai người không còn khả năng để tiếp nhận những âm sâu hơn nữa. Earsonics miêu tả SM64 có "mọi tần số được kiểm soát rất tốt" và điều này thể hiện rõ rất ở phần mid bass. Nếu như có lượng bass cực kì nhiều như thế này nhưng không kiểm soát được, phần mid bass sẽ cho cảm giác rất boomy, cứng nhắc và ù. Nhưng SM64 rất may mắn có mid bass đủ, độ punchy được điều chỉnh để không quá mạnh, dù người dùng luôn cảm nhận được bass rất nhiều nhưng không hề có cảm giác nặng đầu
Với bài My All của Mariah Carey, nhưng âm trầm nổi lên ở giữa bài tròn, nhưng mềm mại và cực kì sâu. Người nghe sẽ có cảm giác âm trầm này không hề có giới hạn, nghe là để thưởng thức thực sự chứ không còn để tâm xem bao giờ nó bị roll off. Bass có chia phần, chia thân rõ ràng. Bass nổi lên, mid bass sẽ chơi trước vì đây là lúc dùi trống đập vào mặt trống, căng và đầy lực. Sau đó 1 lúc, sub bass sẽ nổi lên vì mặt trống rung lên bần bật, mượt như nhung và cũng ấm áp vô cùng. Cả bản nhạc được làm dày hẳn lên nhờ âm bass này, nhưng độ rộng âm thanh cũng như khoảng cách giữa các thành phần rất tốt nên dù bass có dày nhưng không hề bị lấn sang các phần khác. Không chỉ làm các bài hát có lượng bass nhiều thêm hay hơn, mà SM64 còn giúp mình nghe rõ hơn các âm trầm mà những tai nghe ít bass không làm được. Một ví dụ điển hình là bài La Noyee, tiếng trầm của chiếc đàn Phong cầm Accordion rất hiếm khi thể hiện được đầy đủ với các chiếc tai nghe có bass từ thiếu tới trung bình. Nhưng với SM64, những âm thanh này được phô bày ra hết, tăng độ dày của cả bản nhạc. Hay một bản nhạc cùng album nhạc phim Amélie là Les Jours Tristes, tiếng kèn đồng dải trầm nằm ở bên trái tai thường bị các tai nghe khác bỏ qua, thì SM64 làm nổi bật hơn hẳn, cho một vị trí cao hơn và được làm dày dặn, có sức nặng hơn rất nhiều. Dù là ở bản nhạc nào thì người nghe cũng sẽ nghe thấy độ sâu và hơi ấm từ những nhạc cụ dải trầm
Đây là một âm trầm dành cho những Basshead-Audiophiles. Nó có lượng nhiều nhưng cấu trúc chắc chắn, cách đánh hoàn hảo. Nói như vậy không phải là nó hợp với tất cả mọi người. Tốc độ đánh bass chậm rãi và trữ tình nên những người nghe Speed metal, Rock thì sẽ không hợp. Còn với những bản nhạc Jazz, Vocal hay Ballad thì thực sự âm trầm SM64 không còn gì để chê cả! Âm trầm này nên là một tiêu chuẩn dành cho những tai nghe dành cho Basshead, vì nó thực sự tốt nhìn từ cả 2 khía cạnh là Lượng và Chất!
Mid
Cũng giống như SM2-iFI, SM64 cũng rất cần sự phối ghép chuẩn xác để có dải mid tốt nhất. Với những nguồn phát tối thì phần mid SM64 trở nên đặc, tuy vẫn nghe thấy được tính kĩ thuật tốt nhưng lại không hề dễ nghe một chút nào. Cũng như nói ở phần phối ghép, phần mid SM64 sẽ hay hơn với những nguồn phát trung tính hoặc ngả sáng như DX80, Cayin C6,...
Chất mid êm, dày và ấm, có độ chi tiết cao cũng như tiến rất cao đã trở thành một Soundsign đặc trưng của Earsonics từ thời SM3. Và SM64 không nằm ngoài soundsign này. Điểm SM64 khác biệt với những người tiền nhiệm và cả SM2-iFI đó là phần mid đã được làm tự nhiên, cách xa người dùng hơn chỉ một chút. Từ đó âm mid có cảm giác thoải mái hơn, người nghe được ngồi xuống hàng ghế đầu chứ không còn như đang đứng cạnh ca sĩ nữa. Độ chi tiết của mid cực kì tốt, thậm chí được đánh giá là hơn xa SM3 vì cách Earsonics đưa các âm nhạc cụ ra xa ca sĩ. Bài Walkin' My Baby Back Home của Nat King Cole là một ví dụ, ca sĩ hát và những nhạc cụ dàn ra 2 bên khiến mọi khía cạnh của chất giọng được phô ra. Một điểm nữa khiến SM64 dám đối đầu với những tai nghe ở tầm giá 10tr đồng đó chính là âm hình. Mọi chất giọng được đặt ở một vị trí đắc địa để người nghe cảm nhận được độ ấm áp, hay mỏng manh của ca sĩ, cả những tính chất như khàn hay thanh đều được phô diễn ra
Vì không có nhiều điểm nhấn, hơn nữa độ tự nhiên cao nên mới nghe thì âm trung SM64 không có quá nhiều điểm ấn tượng trừ độ chi tiết. Nhưng đây quả thực là một âm mid phải nghe lâu mới thấy được những ưu điểm của nó! Chất âm ấm và dày các giọng vocal nam trở nên rất dễ nghe. Cũng bài Walkin' My Baby Back Home như đã nói ở trên, giọng Nat King Cole qua chất âm của SM64 được kéo dày sang 2 bên mặc dù đây là một bản thu đã có từ rất lâu, chất lượng thu âm không được tốt bằng những ca sĩ thu lại gần đây. Vì dày, ấm nhưng có độ chi tiết tốt nên giọng ca sĩ tới tai người nghe rất tự nhiên, giống với giọng thật, ít bị méo. Chất mid SM64 rất hợp với những bài nhạc Jazz nhẹ nhàng, chậm rãi. Bài Mean Ol' Moon của Norah Jones là một ví dụ, giọng ca sĩ nữ trở nên đầm hơn hẳn, dày dặn, hòa cùng âm double bass đằng sau tạo thành một bản nhạc rất thực, êm đềm. SM64 cũng như các tai nghe khác của Earsonics có một đặc điểm chung đó là thể hiện khá tốt dù là giọng nam trầm lẫn giọng nữ cao. Giọng nữ cao không lên tới những nốt cao nhất, hiện tượng sibalance được loại bỏ hoàn toàn. Sự kết hợp của độ chi tiết, âm hình và tính chất của âm trung khiến cho SM64 có một chất âm rất nhạc tính, giống với đời thực hơn so với những tai nghe mang tính tham chiếu. SM64 sẽ không hợp với những ai thích có một âm trung thật sáng, hoặc gai góc để nghe Rock!
Treble
Nâng cấp đáng giá nhất nếu người dùng còn lăn tăn giữa SM64 với những người tiền nhiệm hoặc nâng cấp từ SM2-iFI có lẽ chính là dải treble. Lắng nghe người dùng góp ý về dải cao, Earsonics trang bị cho SM64 một âm treble nhiều lượng hơn. Lượng treble của SM64 chắc chắn không bằng những tai nghe thiên treble được, nhưng đã là một nâng cấp rất đáng tiền so với chất âm đặc đặc quánh của SM3. SM64 có dải cao được nhiều thành viên Head-fi so sánh với ER4s, là một tai nghe nổi tiếng có chất âm cân bằng và chuẩn mực. Tuy lượng được tăng lên nhưng âm cao vẫn theo xu hướng chung của toàn chất âm đó là ấm và hơi tối. Độ chi tiết ở dải treble rất tốt, mọi âm chơi lên đều tách bạch với nhau. Từ "mượt" dù đã được mình dùng nhiều ở 2 dải trầm và trung, nhưng chắc chắn vẫn sẽ phải nhắc lại ở cao. Độ mượt này thể hiện ở việc hãng làm treble SM64 không cao tới tận những nốt cuối cùng, có roll off ở một quãng nhất định. Âm treble này ấm, ngọt và ít sắc nên dễ nghe, và rất phù hợp với xu hướng chung mà Earsonics SM64 hướng tới đó là dành cho Basshead-Audiophiles
Độ chi tiết / Âm trường
Cũng như đã nói ở từng dải âm, độ chi tiết âm thanh của SM64 phải nói là tuyệt vời. Nếu như được nghe những chiếc tai nghe có độ chi tiết thuộc hàng cao cấp như HD800, S-EM6 hay gần nhất là VELVET thì có thể khẳng định SM64 nằm không quá xa! Độ chi tiết này hơn được toàn bộ những chiếc Inear và thậm chí rất nhiều Over-ear trong tầm giá dưới 12 triệu đồng. Và đây cũng là một tiêu chí đánh giá để phân biệt giữa những tai nghe tầm cao và tầm thấp. Ở bài Soir De Fete, giữa những huýt sáo đầu bài có những tiếng hút vào lấy hơi và cả tiếng lỗi bản thu nhỏ nhỏ, nếu như nghe bằng những chiếc tai nghe có độ chi tiết kém hơn thì chắc chắn sẽ không nhận ra được. Hay một bản nữa đó là bài La Valse D'Amélie (Piano version) ngoài tiếng piano còn có những tiếng Shake cực kì nhẹ rất khó nhận ra nhưng SM64 vẫn bóc tách được toàn bộ. Nhưng kiểu chi tiết của SM64 vẫn rất "nương tay" với những lỗi bản thu, với những bản nhạc thu kém thì SM64 vẫn không bóc tách toàn bộ lỗi, người dùng vẫn có thể thưởng thức bài đó một cách trọn vẹn
Âm trường của SM64 cũng như toàn bộ tai nghe của Earsonics mang một chất rất đặc biệt. Hãng không cố làm âm trường thật rộng, thật mênh mông để rồi âm bị loãng. Âm trường SM64 đúng là có thoát ra được khỏi khoảng không giữa đầu, nhưn có cấu trúc rất chắc chắn. Không bất cứ âm nào bị đặt quá xa đầu, tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát. Cũng vì vậy mà SM64 tạo ra một chất âm rất thực, tự nhiên chứ không hề có cảm giác bị quá "ảo" do cố gắng đưa các âm thanh ra quá xa tai để tạo ra một âm trường rộng rãi. Âm trường của SM64 là một âm trường thực, đủ rộng và đủ thoáng để các âm thanh không bị chen chúc vào nhau!
Tổng kết
Không phải chiếc tai nghe đắt nhất, cũng không có những khả năng đặc biệt so với người anh VELVET, nhưng có lẽ SM64 sẽ tiếp cận được với nhiều người hơn bất cứ chiếc tai nghe nào từ Earsonics. Vẫn mang một chất âm hơi ngả tối từ những người tiền nhiệm, bass siêu dày và trầm, nhưng mid và treble vẫn tạo được điểm nhấn mạnh mẽ với độ chi tiết rất tốt, đầm và ấm nhưng vẫn thật rõ ràng. Một điểm mà người dùng sẽ thích SM64 đó là âm trường thuộc hàng cao cấp trong thế giới Inear. Nếu như cần một chất âm dày dặn, ấm áp nhưng vẫn mang tính kĩ thuật cao thì chắc chắn SM64 là một trong những lựa chọn hàng đầu. Một nhược điểm mà người dùng cũng cần cân nhắc đó là SM64 không hề dễ phối ghép, phải thực sự gặp nguồn phát hợp thì chiếc tai nghe này mới thực sự tỏa sáng!
Độ nhạy: 122 dB/mW
Dải tần: 10 Hz -20 kHz
Trở kháng: 98 ohms
Driver: 3 drivers with new HQ 3 ways crossover with impédance corrector.