Giỏ hàng

Tổng quan về headphone amplifier

Khi nhắc đến thuật ngữ "bộ khuếch đại cho tai nghe" (headphone amplifier) trước mặt một ai đó, chúng ta thường nhận được một cái miệng chữ O hay một ánh mắt ngạc nhiên giống như đang nói chuyện ở trên sao hỏa. Headphone là headphone, làm quái gì có bộ khuếch đại nào nữa - đó là "lý tưởng sống" của hầu hết các bạn trẻ hiện nay.


Ok, hoàn toàn đồng ý. Với một chiếc heaphone, chúng ta chỉ cần cắm và thưởng thức âm nhạc, không cần chỉnh chọt, không cần thiết bị hỗ trợ, không cần lăn lê bò toài để nghiền ngẫm, suy nghĩ hay setup.

Tuy nhiên, có một điều trớ trêu ở đây, đó là khi sử dụng heaphone trên các thiết bị nghe nhạc như iPod, điện thoại thông minh hay máy tính xách tay, tức là chúng ta đang sử dụng một bộ headphone amplifier đích thực.

Nên nhớ, tất cả các thiết bị nghe nhạc mà bạn cắm tai nghe vào đều được tích hợp sẵn một bộ khuếch đại dành riêng cho nó. Và đây cũng chính là nguyên nhân chính để hầu hết các bạn trẻ đều không nghĩ về một bộ khuếch đại rời cho headphone.

Về bản chất, "headphone amplifier" hay “headphone amp” là một bộ khuếch đại có công suất thấp, được thiết kế đặc biệt nhằm tối ưu hóa cho hiệu năng của tai nghe. Headphone amp thường được kết nối với các thiết bị nghe nhạc thông qua đầu vào analogue hoặc digital, chức năng chính của nó là nhận tín hiệu từ các thiết bị nghe nhạc, sau đó tăng sức mạnh của âm thanh rồi xuất ra tai nghe thông qua jack cắm headphone hoặc XLR.

So với những chiếc loa, headphone cần rất ít điện năng để hoạt động. Thông thường, nhu cầu công suất của nó chỉ được tính bằng miliwatt (mW), tương đương với 1/1000 của 1 watt.

Đến đây, nhiều người sẽ đặt ra một câu hỏi, đó là tại sao lại cần một bộ khuếch đại riêng cho headphone trong khi nhu cầu công suất của nó là rất nhỏ?

Câu trả lời nằm ngay trong nhu cầu thực tế.

Hiện nay, các nhà sản xuất thiết bị di dộng, máy tính xách tay hay thậm chí là những chiếc receiver danh giá đều muốn cắt giảm hết mức chi phí sản xuất nhằm đẩy lợi nhuận của họ lên tối đa, và headphone amp tích hợp chính là một giải pháp hoàn hảo. Do đó thay vì lựa chọn những linh kiện tốt, họ lại sử dụng những bản mạch rẻ tiền và kém chất lượng dành cho headphone.

Nhiều bạn trẻ hiện nay chi rất nhiều tiền để sắm tai nghe xịn của các thương hiệu cao cấp, điều đó không những thể hiện được “khả năng nghe nhạc” mà còn là công cụ để họ chứng tỏ đẳng cấp của mình.


Mặc dù phải thừa nhận rằng khi cắm headphone xịn trên những thiết bị di động thông thường thì người nghe vẫn nhận được âm thanh to, rõ ràng. Tuy nhiên, nếu để ý thì bạn sẽ thấy việc kết hợp giữa một headphone cao cấp với một headphone amp tích hợp quả là khập khiễng, âm thanh nhận được thường không sống động, thiếu chi tiết, độ nhiễu cao, độ tách bạch kém và không có sức mạnh.

Và kết quả là để nhận được chất lượng âm thanh xứng đáng, bạn cần có một amplifier được thiết kế và tối ưu hóa dành riêng cho heaphone.

Headphone amp trong một thời kỳ dài vẫn được coi là thiết bị xa xỉ, chỉ được sử dụng trong lĩnh vực ghi âm chuyên nghiệp hay trong các studio. Tuy nhiên, với sự tăng trưởng chóng mặt của thị trường tai nghe và đặc biệt là sự xuất hiện của những sản phẩm cao cấp, thì nó đã trở thành một thiết bị khá phổ biến trong giới audiophile.

Hiện nay, chúng ta có rất nhiều loại headphone amp với thiết kế và tính năng phong phú, có thể làm thỏa mãn mọi nhu cầu và khao khát về chất lượng của người nghe. Cũng chính vì sự phong phú đó mà việc chi tiền để sắm một sản phẩm phù hợp không phải là một việc làm đơn giản. Để làm được, bạn cần phải có tiền và sở hữu một lượng kiến thức nhất định.

Nói chung, việc xem xét một chiếc headphone amp thường dựa trên 4 yếu tố chính, đó là chủng loại, tính năng, thông số và giá cả.

1. Chủng loại

Hiện nay, trên thị trường có tất cả 3 loại headphone amp cơ bản, bao gồm:


- Portable headphone amp là loại nhỏ gọn nhất, có thiết kế phù hợp với các thiết bị nghe nhạc di động như iPhone hay laptop. Loại amp này thường đủ nhỏ để bạn có thể bỏ vào túi áo và sử dụng nguồn điện từ pin hoặc thông qua kết nối USB.

- Desktop headphone amp có kích thước lớn hơn so với loại portable, chúng được thiết kế để sử dụng trong các không gian hạn chế như phòng làm việc, phòng ngủ... Những chiếc amp này rất phù hợp để sánh đôi với PC, laptop hay music sever.

- Full-size headphone amp là loại có kích thước tương đương với các bộ khuếch đại tiêu chuẩn dùng cho loa. Chúng thường mang đến mức hiệu năng cao nhất, được thiết kế chắc chắn, có trọng lượng lớn hơn nhiều so với hai loại kia và thường được dùng trong các hệ thống giống như hệ thống âm thanh chuyên dụng 2 kênh.


Tương tự với amp dành cho loa, bộ khuếch đại dành cho tai nghe cũng có class A, A/B, D... và có thể sử dụng công nghệ bóng bán dẫn, đèn hoặc lai giữa bóng bán dẫn và đèn. Ngoài ra còn có cả loại single-ended và fully balanced. Thậm chí, một số headphone amp có thể được thiết kế rất phức tạp, liên quan đến đấu dây point-to-point và các bộ biến thế hạng nặng.

Mỗi loại headphone amp đều có những ưu khuyết điểm khác nhau. Trong thực tế, chủng loại không phải là yếu tố duy nhất quyết định đến hiệu suất xử lý, mà quan trọng hơn cả, đó là thiết kế và sự phối hợp tổng thể của các thành phần bên trong lẫn bên ngoài. Do đó, để mua được một sản phẩm tốt, đôi khi chúng ta không nên quá coi trọng nhu cầu mà quên đi những thứ khác.


2. Tính năng

Những tính năng cơ bản nhất của một heaphone amp đó là đầu vào analogue (jack cắm RCA hoặc jack cắm 3.5 mm), khả năng điều chỉnh volume/gain và đầu ra analogue 3,5 mm. Cấu hình này sẽ cho phép bạn kết nối được với hầu hết các thiết bị phát nhạc điển hình (máy nghe nhạc di động, điện thoại thông minh, CD player hoặc máy tính) và truyền tải đến heaphone thông qua cáp RCA hoặc mini-stereo 3,5mm.

Một trong những tính năng ngày càng trở nên phổ biến hơn ở headphone amp đó là DAC tích hợp. Tính năng này cho phép người dùng kết nối từ amp tới nguồn thông qua các cổng kỹ thuật số như USB hay S/PDIF (Coaxial hoặc Toslink/optical). Đây là kết nối thường thấy khi sử dụng nguồn phát nhạc là computer/laptop hoặc music server.

Nhiều người cho rằng mạch DAC tích hợp sẽ gây nhiễu tín hiệu của headphone amp, và do đó làm giảm hiệu suất âm thanh của hệ thống. Trong một số trường hợp, điều này là chính xác, tuy nhiên với một sản phẩm được thiết kế tốt thì nhà sản xuất có thể cô lập và loại bỏ hoàn toàn những tác động tiêu cực đó.


Một tính năng kỳ lạ khác cũng hay bắt gặp trên headphone amp đó là khả năng hỗ trợ pre-amplifier hoặc hỗ trợ khuếch đại cho loa. Tính năng này thường chỉ làm tăng chi phí sản xuất lên chứ không cải thiện được chất lượng âm thanh của phần mạch dành cho headphone. Do đó bạn thực sự nên cân nhắc mọi thứ và ưu tiên những tính năng quan trọng hơn.

Hiện nay, xu hướng thiết kế bộ khuếch dành cho đại tai nghe còn hướng đến hệ thống xử lý tín hiệu kỹ thuật số DSP (Digital Signal Processing) như các định dạng âm thanh Dolby Headphone, cho phép người dùng trải nghiệm âm thanh vòm được giả lập trên định dạng tiêu chuẩn.

Cuối cùng, đó là một tính năng rất hiếm gặp trên headphone amp, đó là tính năng hỗ trợ tai nghe tĩnh điện.

3. Thông số kỹ thuật

Giống như những sản phẩm công nghệ khác, điều quan trọng nhất khi lựa chọn headphone amp đó là xem xét các thông số kỹ thuật chi tiết của nó. Điều này không những sẽ giúp bạn đánh giá được phần nào chất lượng sản phẩm, mà còn đảm bảo cho sự tương thích của nó với chiếc tai nghe ở nhà.

- Độ méo (Distortion): thông số liên quan đến độ méo thường gặp đó là Tổng méo hài (Total Harmonic Distortion - THD) và Độ méo điều biến (Intermodulation Distortion - IMD). Độ méo từ 1% trở xuất là đạt tiêu chuẩn, càng thấp càng tốt.

- Tỉ lệ tín hiệu trên tạp âm (Signal-to-Noise Ratio): là một phép đo được thực hiện dựa trên lượng tạp âm của bộ khuếch đại so với tín hiệu âm thanh từ nguồn và tính bằng dB. Tỷ lệ này càng lớn thì âm thanh càng chuẩn xác. Đây là một thông số rất quan trọng và dễ dàng phân biệt khi bạn áp headphone vào tai thật chặt.

- Trở kháng đầu ra: xác định được thông số này sẽ đảm bảo cho tính tương thích giữa amp và headphone của bạn. Nói chung, trong đa số trường hợp thì trở kháng cao hơn sẽ tốt hơn.

- Công suất: như đã đề cập ở phần trên, công suất của tai nghe thường chỉ được tính bằng đơn vị miliwatt (mW). Một chiếc tai nghe điển hình sẽ có công suất chưa đến 20mW. Hầu hết các tai nghe hiện nay đều có nhu cầu ít hơn 200 mW để đạt được công suất tối đa, tuy nhiên, trong một số trường hợp, tùy thuộc vào trở kháng và độ nhạy mà con số này có thể cao hơn. Headphone amp có công suất khoảng 500 miliwatt là đủ để "điều trị" cho hầu hết các loại tai nghe.

- Trị số Damping Factor (trị số cản dịu): là thước đo cho sự ổn định của các bộ khuếch đại trong việc xử lý tải - trường hợp này là tai nghe. Trị số này càng lớn thì càng tốt.

Trong đại đa số các trường hợp. thông số kỹ thuật không bao giờ nói dối, tuy nhiên nó không phải là một lời cam kết của nhà sản xuất cho hiệu suất thực tế. Do đó, giống như việc đi mua các thiết bị cho hệ thống stereo 2 kênh, bạn chắc chắn phải nghe thử trước khi quyết định mua một headphone amp. Tốt nhất là thử ở những nơi yên tĩnh và bằng chiếc heaphone, cũng như các thiết bị nguồn phát của chính bạn.

4. Giá cả

Yếu tố quan trọng cuối cùng là giá cả. Nên nhớ, tiền bạc luôn có giới hạn, và do đó cũng sẽ có một giới hạn nhất định về chất lượng lẫn tính năng của chiếc headphone amp mà bạn tính mua.

Điều quan trọng là bạn phải xác định được thứ mình cần, thứ mình không cần để tối ưu hóa chất lượng nhận được. Ví dụ, một chiếc headphone amp tích hợp DAC và preamp sẽ chỉ làm tăng chi phí, do đó nếu cảm thấy thực sự không cần thiết thì bạn có thể lựa chọn một headphone amp khác cùng tầm giá nhưng có độ chuyên môn cao hơn.


Kết luận

Chơi tai nghe mặc dù sẽ rẻ hơn rất nhiều so với chơi loa, nhưng dù sao đi nữa thì khi tham gia bất cứ trò chơi nào, điều quan trọng là bạn phải định hướng chính xác con đường mà mình sẽ đi. Headphone là một thú chơi chuyên nghiệp và cũng như loa, nó dễ mang lại niềm vui và trải nghiệm thú vị cho ta khi nghiên cứu một cách kỹ lưỡng.

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận

phương

Bài viết rất hưu ích, cảm ơn!

Danh sách so sánh