Giỏ hàng

Trải nghiệm LG TONE Flex SL6S: Vừa là tai nghe vừa là loa?

Trong 2 cặp tai nghe mới của LG, HBS SL6S là phiên bản cao cấp hơn, với tính năng đặc biệt nhất là tích hợp cả...một chiếc loa ngoài trên tai nghe. Chiếc loa này dùng để làm gì, và xét tổng thể đây có phải là một sản phẩm tốt hay không?

Như thường lệ ta sẽ bắt đầu từ phần mở hộp. Giống với SL5 thì SL6S cũng có hộp bằng nhựa, với mặt trên trong suốt để ta thấy được tai nghe nằm bên trong. Tính năng loa ngoài đã được quảng cáo luôn ở ngoài hộp!

Bộ phụ kiện cũng không có gì thay đổi luôn, cũng với 2 cặp đệm cao su và dây sạc USB Type-C.

Đến cả ngôn ngữ thiết kế chung cũng giống với SL5, là một cặp tai nghe vòng cổ với phần vòng cổ được thiết kế khá đẹp. Điểm khác biệt lớn nhất mà ta có thể thấy được là SL6S dùng sơn màu xám bạc đậm, thay vì toàn màu đen ở SL5.

Ta vẫn sẽ có phần nhựa dẻo để có thể gập gọn tai nghe những lúc cho vào cặp xách.

Bên cạnh trái SL6S có cổng sạc được giấu sau một cửa cao su, 2 nút chỉnh âm lượng kiêm chuyển bài và nút nguồn. Vòng cổ đem tới tai nghe thời gian sử dụng liên tục 8 tiếng, cùng khả năng sạc nhanh 10 phút để tiếp tục nghe nhạc 3 tiếng nữa.

Và đây là tính năng khác biệt nhất của SL6S so với SL5 và thậm chí là toàn bộ thị trường tai nghe không dây: một chiếc loa ngoài được tích hợp trên vòng cổ. Chiếc loa này theo như hãng công bố thì được dùng để đàm thoại rảnh tay trong những lúc người dùng không thể đeo tai nghe lên (như lúc đang rửa bát, tay đang bẩn chẳng hạn), hoặc để đàm thoại nhiều người một lúc.

Tuy vậy khi bật nhạc thì chiếc loa này vẫn sẽ phát nhạc. Đây chỉ là loa mono một phía, màng loa nhỏ nên chất lượng âm thanh không cao nên có lẽ chỉ dùng để sử dụng những lúc cần kíp, chứ không dùng để thưởng thức âm nhạc trong thời gian dài.

Loa ngoài có thể được bật bằng một công tắc ở bên cạnh vòng cổ, mỗi khi bật thì loa sẽ bật ra một thông báo để người dùng biết trước khi phát tiếng.

Phần đeo tai của SL5 và SL6S phải nói thật lòng là không bắt mắt cho lắm, được hoàn thiện bằng nhựa đen và tròn trịa, không có gì nổi bật cho lắm.

Điểm nổi bật nằm ở việc phần tai nghe này có thể được kéo ra và rút vào tùy ý, vừa để gọn gàng vừa để tránh hiện tượng đứt dây cho sơ ý. Thiết kế này khá hay và mình mong rằng những hãng vẫn đang theo đuổi kiểu tai nghe vòng cổ học theo.

LG cũng phát hành một phần mềm để điều khiển tai nghe dành cho SL6S trên smartphone. 3 tính năng chính của phần mềm này bao gồm chỉnh EQ, bật tắt thông báo giọng nói và bật tắt rung.

Từ đầu bài đến giờ ta thấy rất nhiều sự tương đồng giữa SL5 và SL6S, chỉ có sự khác nhau một chút ở thiết kế và phần loa ngoài. Và đến phần âm thanh, ta cũng lại tiếp tục nhìn thấy được sự tương đồng nữa vì 2 cặp tai nghe sử dụng chung công nghệ màng loa và cũng được tune âm giống nhau luôn!

Để không làm tốn thời gian của mọi người, mình sẽ tóm gọn nhanh về chất âm này. Đây là một chất âm dạng 'êm', dày dặn nhưng không 'đập thẳng vào mặt' người nghe. Kiểu âm laid back này thể hiện ở toàn bộ các dải âm, với phần trầm có lượng khá đầy đủ nhưng có lực vừa phải, sub-bass xuống tới 1 nốt nhất định thì roll-off đi.

Phần trung âm êm, lùi 1 bước về phía sau vào dàn nhạc chứ không tiến thẳng về phía trước. Giọng ca sĩ thiên nhiều về phần low-mid hơn là high-mid, nên sẽ 'tôn' giọng ca sĩ nam hơn là nữ. Âm treble cũng khá là dày, nhưng thiếu độ sáng để ra được những tiếng 'leng kenh' với năng lượng cao.

Sở dĩ hãng làm kiểu âm này đó là để người dùng tự điều chỉnh EQ cho đúng ý của mình. Một chất âm đơn giản, 'phẳng' và ít điểm nổi bật khi được áp dụng EQ sẽ hiệu quả hơn là những kiểu âm đã sôi động sẵn. Ta có thể sử dụng EQ của phần mềm LG (có 3 cái là Bass, Normal và Treble), hoặc sử dụng những EQ có trong phần mềm nghe nhạc.

So với một cặp tai nghe cùng tầm giá khoảng 2.500.000 vnđ là RHA MA650 Wireless thì sao? Về thiết kế và tính năng phụ trợ, MA650 sẽ nhỉnh hơn với phần đeo tai được làm bằng kim loại, thời lượng sử dụng 12 tiếng (cao hơn gấp rưỡi) nhưng thiếu đi sạc nhanh và có chống nước IPX4; ngược lại LG SL6S sẽ có rung vòng cổ, loa ngoài mono, phần đeo tai có thể rút ngắn lại và Bluetooth mới hơn (v5.0 so với v.4.1).

Về chất âm, phải nói là MA650 Wireless gây được ấn tượng mạnh hơn ngay từ đầu vì hãng tune cặp tai nghe này để sử dụng ngay, chứ không có phần mềm hỗ trợ để sử dụng EQ. Bass của 2 cặp tai nghe này đều theo hướng đủ lượng chứ không quá nhiều, nhưng với LG SL6S thì sẽ theo hướng chơi ấm hơn, còn MA650 Wireless gọn hơn, ít dư âm hơn, nhưng cả 2 đều có tốc độ đủ tốt nên mình sẽ không phàn nàn.

Phần trung của MA650 Wireless được đặt cao hơn rất nhiều so với kiểu laid back của SL6S, đặc biệt là khi ta nghe so sánh A-B giữa 2 cặp tai nghe này. Cách chơi của 2 cặp tai nghe cũng khác nhau, với MA650 Wireless hướng về giọng ca sĩ dạng sáng, có độ dày vẫn khá tốt nhưng có phần high mid lên cao nên những giọng ca sĩ nữ cũng sẽ 'thoát' hơn so với SL6S.

Dải treble cũng không phải là ngoại lệ, với MA650 Wireless thể hiện được độ sáng và năng lượng dồi dào hơn. Dải treble trước giờ vẫn là thế mạnh của những cặp tai nghe đến từ RHA, và nếu như không điều chỉnh EQ treble thì SL6S với chất âm mặc định của mình sẽ bị hụt hơi ở phần này.


Đáng tiền hay không?

Câu hỏi LG SL6S có đáng tiền hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách sử dụng của bạn. Nếu như bạn liên tục phải sử dụng tai nghe để liên lạc đông người hoặc rảnh tay bằng loa ngoài, thích tự điều chỉnh EQ để phù hợp với bản thân thì LG SL6S là lựa chọn dành cho bạn.

Nếu bạn không thuộc tập sử dụng này, thì SL5 sẽ là lựa chọn ở tầm giá rẻ hơn với đầy đủ những gì SL6S có, chỉ là thiếu đi loa ngoài. Hay về chất âm, ở cùng tầm giá MA650 Wireless sẽ gây ấn tượng mạnh hơn mà không cần phải điều chỉnh EQ nhiều như SL6S. Sự lựa chọn nằm ở bạn!

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Danh sách so sánh