Giỏ hàng

Đánh giá tai nghe EarFun Air: Tầm trung của EarFun, tầm cao của hãng khác!

Một cặp tai nghe có giá bán chỉ khoảng 1.5 triệu Đồng nhưng 'ngập trời' công nghệ, kèm theo đó là chất âm khó bàn cãi trong tầm giá?

Không phải là sản phẩm đầu tay, cũng chả phải là sản phẩm cao cấp nhất của hãng âm thanh EarFun, EarFun Air nằm ở một vị trí hơi 'nửa chừng' giữa những người anh em Free và Air Pro của mình. Đây có thể là con dao 2 lưỡi, khi bạn rõ ràng có thể tiết kiệm 1 chút tiền bằng cách mua Free, hoặc cố thêm 1 chút nữa để lựa chọn Air Pro với khả năng chống ồn chủ động mạnh mẽ của nó.

Nhưng nếu làm được tốt nhiệm vụ của mình, EarFun Air rất có thể sẽ trở thành một lựa chọn tầm trung rất đáng mua, cân bằng được giữa hiệu năng và giá tiền. Vậy viễn cảnh nào trở thành sự thật, ta sẽ cùng đánh giá Air để tìm ra câu trả lời.

Cách đóng hộp của những sản phẩm từ EarFun cũng không có gì quá là nổi bật cả, mặc dù những thứ bên trong lại có hiệu năng thường vượt tầm giá!

Tai nghe và hộp sạc được đặt trên một lớp đệm dày dặn làm mình yên tâm rằng sản phẩm sẽ nguyên lành trong quá trình vận chuyển.

Bộ phụ kiện của tai nghe như thường lệ, gồm dây sạc USB Type-C (dạng dài) và 3 bộ đệm cao su nữa. Đệm của cặp tai nghe này có phần gài khá là ngắn, cũng có thể là 1 cách để đưa màng loa đến gần với tai người dùng hơn, tăng khả năng truyền dẫn âm thanh.

Điểm đặc biệt của EarFun là mỗi cặp tai nghe của hãng lại đi kèm với 1 dạng hộp sạc rất khác nhau, đơn giản vì mỗi cặp lại có thiết kế không hề giống nhau. Hộp của Air làm mình liên tưởng đến hộp của những cặp tai Jabra như 75t chẳng hạn, nhưng đặt theo chiều dọc thay vì chiều ngang!

Ngay tại hộp sạc ta tìm thấy 1 ưu điểm lớn của Air đối với những người anh em của mình, đó là thời lượng pin. Tai nghe có thời lượng sử dụng tổng cộng lên tới 35 tiếng, cao hơn cả mốc 32 tiếng của cặp Air Pro. 35 tiếng, tức nếu như mỗi ngày bạn nghe nhạc lên tới 5 tiếng liên tục (nghe chừng không thực tiễn cho lắm) thì hết cả 1 tuần mới hết pin, rất đáng nể.

Tới thành phần chính: phần đeo tai. EarFun Air có thiết kế dạng 'đuôi' giống với phiên bản Air Pro, nhưng với phần đuôi được làm thuôn gọn, tròn trịa và ít góc cạnh hơn. Cũng vì vậy mà cặp tai nghe này nhìn 'thông thường' hơn, mất đi 1 chút vẻ nam tính và mạnh mẽ của cặp Pro.

Bù lại, EarFun Air vẫn giữ được mặt cảm ứng, cảm biến tiệm cận ở bên trong để tự động ngắt nhạc mỗi khi người dùng tháo tai nghe ra - một nâng cấp so với cặp tai nghe tầm thấp Free.

Bên cạnh đó, cặp tai nghe này cũng có khả năng chống nước IPX7, cao hơn IPX5 của cặp Air Pro. Với chuẩn chống nước cao như vậy, Air không dừng lại ở việc có thể dùng để đi tập thể dục 'trên cạn', bạn hoàn toàn có thể dùng tai nghe để tắm, đi bơi hoặc nhúng dưới nước mà không hề sợ bị hỏng. Sự chênh lệch về khả năng chống nước này cũng có thể vì phiên bản Pro phải tích hợp tới 6 microphone để phục vụ việc chống ồn ANC, còn Air chỉ cần có 4 để tập trung cho mục đích đàm thoại mà thôi!

Thiếu đi chống ồn chủ động, nhưng cặp tai nghe này vẫn có khả năng chống ồn thụ động (tự nhiên) rất tốt đơn giản vì phần đeo tai được làm dày dặn, khi cho vào tai sẽ lấp đầy những khoảng chống trong khoang tai. Khi ra ngoài đường thì cặp Air đã chặn được tới xấp xỉ 80% những tiếng ồn ở bên ngoài rồi, muốn có thêm 20% nữa thì có lẽ người dùng sẽ phải cố thêm 1 chút nữa để đầu tư cặp Pro.

Đảm nhiệm việc tái tạo âm thanh cho cặp tai nghe EarFun Air là bộ đôi màng loa Dynamic 6mm với điểm nâng cấp là sử dụng màng kép PEEK + PU. Công nghệ màng loa kép này nghe khá giống với những cặp tai nghe TONE Flex của LG, nhưng hãng điện tử Hàn Quốc lại dùng màng nhựa PE và kim loại, nên có lẽ cách ứng dụng công nghệ của 2 hãng là khác nhau. Vậy trên thực tế, cặp tai nghe này cho chất âm như thế nào?


Tương tự như Air Pro, cặp tai nghe Air hướng tới một chất âm đậm đà, dày dặn, có một sự V-shape nhẹ nhàng để đem lại một chút sôi động cho những bài nhạc mà ta nghe. Trong những lần đầu nghe, mình cảm thấy bass của cặp tai nghe này khá nhiều, thậm chí đến mức bị dư thừa, nhưng có lẽ sau 1 thời gian burn-in thì tiếng bass dày dịu hơn, dừng lại ở mức trên trung bình thôi. Trong bài Light it up của Robin Hustin x TobiTomorrow, âm bass tạo được ấn tượng mạnh bằng cách nhấn mạnh trong mỗi lần đánh, sau đó giảm dần lượng và kéo sâu xuống phần sub bass.

Như thường lệ, âm trung của một cặp tai nghe hướng âm sôi động sẽ phải nhường lại 1 chút đất diễn cho 2 dải âm còn lại, nên sẽ có vị trí được đặt lùi lại phía sau 1 chút. Tuy vậy, EarFun Air bù trừ cho điểm này bằng cách tạo nên 1 âm mid đầy đặn, có cả âm hơi và âm giọng, đặc biệt là high-mid không bị chìm để cân bằng lại tổng thể âm thanh. Giọng Diana Krall trong bài Little Girl Blue ấm áp, thoải mái và laid back, ngược lại thì cũng không hề bị âm contrabass lấn lướt vì có độ dày riêng.


Âm treble của cặp tai nghe này khá giống với cái tên mà EarFun đặt cho nó, khá là Airy khi mà lên được những nốt cao nhất. Cách thể hiện của treble này khá là sáng, thiên nhiều hơn về hướng điện tử, khi kết hợp với âm trầm sâu thì tạo ra được sự đối lập giữa 2 dải âm đầu và cuối khiến bài nhạc như được tiếp thêm năng lượng, cũng khá hay ho!

'Giữa giữa' nhưng không thể bỏ qua

EarFun Air làm mình nhớ đến những chiếc loa Sony XB-2x, khi cả 2 đều là những sản phẩm tầm trung nhưng cũng vì thế mà thể hiện được thế mạnh của mình, đem lại những nâng cấp đáng giá so với phiên bản tầm thấp, ngược lại có giá bán thấp hơn, vừa túi tiền hơn lựa chọn tầm cao. Đây là một sản phẩm 'giữa giữa', nhưng rất đáng để bạn cân nhắc, đặc biệt với những ai không thực sự cần tới khả năng chống ồn chủ động mạnh mẽ của phiên bản Air Pro.

>> Những sản phẩm tuyệt vời từ EarFun có mặt tại IDO Audio

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Danh sách so sánh