Giỏ hàng

Đánh giá Skullcandy Method Active: Nâng cấp lớn, vẫn giá rẻ

Để chào mừng năm 2020 vừa tới, Skullcandy đã ra mắt một bộ đôi tai nghe Inear mới trong dòng sản phẩm Method Active hướng tới những người yêu thích âm nhạc và chơi thể thao. Ngày hôm nay, ta sẽ tìm hiểu lựa chọn rẻ hơn (nhưng không có nghĩa là yếu hơn về mọi mặt) - Skullcandy Method Active.


Đập hộp / Thiết kế


Hộp của Method Active khá tiêu chuẩn cho một cặp tai nghe từ Skullcandy: tông đen, ảnh sản phẩm và một vài dòng giới thiệu ở bên trái.


2 điểm được hãng quảng cáo nhiều nhất là khả năng chơi nhạc 10 tiếng và chuẩn chống nước IPX7 - là chuẩn cao giúp ta có thể sử dung được nó ở dưới nước (đem đi bơi chẳng hạn)!


Bộ phụ kiện của tai nghe sẽ gồm có 2 bộ đệm cao su, một kẹp áo, dây sạc micro USB và 1 bộ cánh cao su để giúp tai nghe bám chắc tai người dùng hơn.

 


Cặp tai nghe Method Active đã bỏ thiết kế dạng vòng cổ cồng kềnh của sản phẩm cũ, và chuyển qua thiết kế với 1 dây nối ở giữa.


Trên dây ta có cụm điều khiển với 3 nút bấm được làm bằng cao su nhìn khá đẹp mắt, kèm với cổng sạc micro USB được đặt dưới lớp chống nước.


Cuối dây là một phần kéo rút để phần sau cổ người dùng bám chắc chắn hơn, không bị 'vung vẩy' mỗi khi hoạt động mạnh.


Phần đeo tai cũng sở hữu thiết kế hoàn toàn mới, chưa từng thấy trên cặp tai nghe nào của Skullcandy. Ta có một phần tròn lớn nằm ở bên ngoài, chứa những thành phần điện tử cần thiết.


Phần này cũng được tích hợp nam châm để ta gắn chúng vào nhau mỗi khi không sử dụng.


Ống âm được làm nhỏ nhắn, nên mặc dù tai nhìn khá lớn nhưng khi đeo lên vẫn giữ được sự thoải mái. Đối với những ai thường xuyên sử dụng tai nghe để chơi thể thao, ngoài việc chọn đệm cao su đúng với kích thước tai thì có thể sử dụng thêm phần cánh vành tai như đã đề cập ở trên.

Thông số kỹ thuật

- Màng loa Dynamic 9.2mm
- Tần số: 20Hz - 20KHz
- Bluetooth 5.0
- Trở kháng: 16 Ohms
- Độ nhạy: 95+/-3dB
- Thời lượng sử dụng: 10 tiếng
- Công nghệ tìm kiếm Tile

Trải nghiệm thực tế


Một trong những công nghệ nổi bật mà Skullcandy đang dần tích hợp vào những sản phẩm của mình là chip tìm kiếm Tile, mà mình cũng đã đánh giá chi tiết trong bài thử nghiệm cặp Crusher ANC lần trước. Đây không phải là công nghệ mà ta sẽ phải sử dụng hàng ngày, nhưng sẽ cực kỳ hữu dụng với những lúc để quên tai nghe ở đâu không nhớ. Việc công nghệ này đang dần được tích hợp vào những cặp tai nghe có giá bán không cao là một điều đáng mừng, cũng là một điều mà ta sẽ mong chờ ở những sản phẩm của 2020!


Về chất âm, Method Active đi theo hướng âm thanh mới của Skullcandy, và cũng khá giống so với cặp Method thế hệ cũ: vẫn nhấn nhẹ vào dải bass, nhưng đã không còn V-shape mạnh để gúp ta có thể nghe tạp được nhiều thể loại hơn. Phần bass có lượng vừa phải, vẫn có đủ để làm bài hát trở nên sôi động hơn song cũng không bị cho cảm giác thừa thãi, khó chịu. Âm trống trong Move On của Mike Posner đập đến tai người dùng cứng cáp, tan dần trong một thời gian vừa đủ để tạo được dư âm. Giống như những sản phẩm tầm thấp khác, Method chưa thể hiện được rõ thân (texture) của bass được rõ như những sản phẩm cao cấp, đây là một nhược điểm chung của những cặp tai nghe ở tầm thấp và trung, nên người dùng cũng sẽ phải chấp nhận!


Điểm nâng cấp lớn nhất ở những sản phẩm Skullcandy thế hệ mới đó là phần mid đã được làm cân bằng hơn rất nhiều, từ đó giúp ta có thể nghe được những bài nhạc có lời chứ không gói gọn ở những bài Pop và Dance nữa. Giọng Emily Loizeau trong Je ne sais pas choisir êm ái, hơi ngả về hướng tối, có độ chi tiết nằm ở mức khá và không còn bị nằm dưới bass như những tai nghe cũ nữa. Phần high mid lên càng cao thì càng được làm giảm âm lượng, nên không có những đoạn peak khó chịu, nên cả những giọng dễ có thể gây ra sibalance nhất như Yao Si Ting cũng luôn luôn 'an toàn'. Skullcandy vẫn sẽ còn phải cải thiện nhiều để có một phần trung được đánh giá là 'hay', nhưng đối với một cặp tai nghe ở tầm giá này thì mình cũng không đòi hỏi gì thêm, dù sao thì đây vẫn là một hãng hướng tới những người yêu nhạc Hip Hop, Dance chứ không phải Jazz và Vocal nhẹ nhàng.


Treble cũng giống với phần mid, đã được làm giảm độ sáng nhiều so với trước đây. Đây cũng có thể là con dao 2 lưỡi, khi 1 mặt phần này sẽ rất dễ nghe cho tất cả các bài nhạc, 1 mặt thì sẽ hơi yếu so với những ai đã quen với những cặp tai nghe có treble mạnh mẽ, khỏe khoắn hơn. Thứ mà Method Active làm tốt đó là đưa được treble về đúng vị trí của mình, và cũng đặt nó tránh được 'tầm với' của bass nên không hề bị chìm trong những bài nhạc mà cả 2 dải đều nổi lên!

Rẻ không đồng nghĩa với chất lượng thấp


Method Active có thể nói là một nâng cấp về mọi mặt so với Method phiên bản cũ: sử dụng thiết kế nhỏ gọn hơn, chuẩn Bluetooth 5.0 mới, thời lượng sử dụng dài hơn, chuẩn chống nước IPX7 cao và cuối cùng là chip tìm kiếm Tile. Với mức giá khá thấp và không đổi so với phiên bản cũ (1.750.000 VNĐ), đây chắc chắn là một 'món hời' cho những ai không muốn bỏ quá nhiều tiền cho một cặp tai nghe, nhưng vẫn muốn nhận lại một sự lựa chọn 'tử tế'.

Ưu điểm

- Thiết kế mới, gọn gàng và đẹp
- Bluetooth 5.0 mới
- Thời lượng sử dụng 10 tiếng
- Chuẩn chống nước cao IPX7
- Công nghệ tìm kiếm tai Tile
- Giá bán hấp dẫn, không đổi với bản cũ

Nhược điểm

- Phần treble có thể hơi yếu

Khuyến cáo về vấn đề sạc: Những cặp tai nghe không dây đều sử dụng pin dung lượng nhỏ, người dùng nên sử dụng với nguồn sạc 5V 1A (đầu cắm sạc iPhone chính hãng hoặc USB từ laptop) để đảm bảo pin được sạc an toàn nhất. Tránh sử dụng các đầu sạc nhanh, sạc máy tính bảng, sạc 5V 2A, pin của tai nghe không chịu được tải sẽ có nguy cơ hỏng hoàn toàn!

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Danh sách so sánh