Đánh giá những công nghệ True Wireless của năm 2019
2019 là một năm có những bước tiến rất lớn trong Thế giới tai nghe không dây nói chung và tai nghe không dây hoàn toàn (TWS) nói riêng. Trong bài viết này, mình sẽ tổng hợp lại những công nghệ tạo nền tảng cho những bước tiến này, và chắc chắn sẽ còn có ảnh hưởng lớn trong những sản phẩm của năm sau.
Sự khởi đầu chậm chạp
Apple không phải là hãng đi đầu về tất cả những công nghệ trên toàn cầu, nhưng chắc chắn là một người đi tiên phong để định hình lại thị trường. Điều này cũng hoàn toàn đúng với thị trường âm thanh, khi vào năm 2016 Apple đã từ bỏ cổng 3.5mm trên chiếc iPhone 7, kèm theo đó là ra mắt cặp tai nghe TWS đầu tiên của mình là AirPods. Thị trường trước đó cũng đã có những cặp tai nghe TWS, nhưng số lượng và chất lượng đều nằm ở mức trung bình. AirPods mặc dù không có chất lượng âm thanh tốt, nhưng chứa rất nhiều công nghệ làm nên một cặp tai nghe KHÔNG DÂY tốt: thời lượng pin ít nhất 24 tiếng, một hộp sạc nhỏ gọn và thời trang, có mặt cảm ứng để điều khiển và trên hết là kết nối chắc chắn với nguồn, độ trễ giảm đến gần như bằng không.
Tất cả những cặp tai nghe TWS lúc bấy giờ bỗng trở nên lỗi thời một cách trầm trọng, thường có thiết kế lớn, thời lượng pin quá 'xoàng', thường chỉ có điều khiển đơn giản và vẫn sử dụng chuẩn Bluetooth 4.1, 4.2 cũ nên liên tục mất kết nối. Ta có thể lấy ví dụ là cặp Sony WF-1000x thế hệ đầu tiên, mặc dù áp dụng được chất lượng âm thanh rất tốt của Sony nhưng hoàn thiện không đáng nói, điều khiển vẫn bằng nút nhấn, độ trễ rất cao và chỉ vài phút là lại mất kết nối một lần. Cũng vì tụt hậu trước Apple, nên toàn bộ thị trường âm thanh không dây và TWS đã tăng tốc để đuổi kịp, và từ đó đến nay đã có những bước tiến rất rõ rệt.
Jabees cùng chip xử lý riêng biệt
Trong thời kỳ 'loạn lạc' chưa có chuẩn chung, Jabees là một hãng đi đầu trong thị trường TWS để sản xuất một chip thu nhận sóng riêng cho mình. Cặp Jabees Firefly Pro True Wireless nhờ việc sử dụng chip riêng nên có Bluetooth 5.0, cách kết nối 2 tai nghe cùng một lúc với nguồn phát nên giảm được độ trễ và tăng chất lượng kết nối, sử dụng được độc lập một bên tai. Đây cũng là một trong những cặp tai nghe TWS đầu tiên trên thị trường được áp dụng khả năng sạc không dây, đơn giản hóa khả năng sạc vào để người dùng không phải lo về vấn đề này. Kết hợp với chuẩn chống nước IPX5, công nghệ Ambient Sound nghe ngóng môi trường cùng một chất âm khỏe khoắn, mạnh mẽ nhờ màng loa Graphene nhưng Firefly Pro vẫn chỉ có giá 2.100.000 vnđ, một điểm rất đáng để tâm!
Vào đầu năm sau, Jabees sẽ còn tiếp tục ra mắt thêm một cặp tai nghe TWS để thừa hưởng mọi ưu điểm của Firefly Pro, mang tên Firefly 2. Theo như những thông tin ban đầu, Firefly 2 cũng sẽ được tích hợp chip xử lý được Jabees phát triển, khả năng chống nước cao hơn hẳn là IPX7, công nghệ Ambient Sound, khả năng sạc nhanh và sạc không dây, thời lượng pin lý thuyết lên tới 30 tiếng, trên hết vẫn là một màng loa phủ Graphene tiên tiến. Đây chắc chắn sẽ là một sản phẩm đáng để chờ đợi trong thời gian nửa đầu năm sau.
Qualcomm apt-X xuất hiện, vị cứu thế của TWS?
Khác với Jabees, thì 2 hãng Noble và Urbanista lại đến 'nhờ cậy' nhà sản xuất chip Qualcomm để sử dụng công nghệ của họ. Và trong thời gian cuối năm, Qualcomm cũng đã đem tới cho chúng ta một công nghệ không mới, nhưng lại lần đầu được áp dụng vào những cặp tai nghe TWS - công nghệ truyền dẫn chất lượng cao apt-X.
Để hiểu rõ hơn về apt-X, mình xin ghi lại hoàn toàn một bài viết trước đây đã được tổng hợp bởi IDO Audio:
"Công nghệ này thay vì cắt toàn bộ một đoạn dải tần mà người dùng 'có thể không nghe thấy, nhưng vẫn ảnh hưởng tới chất lượng cuối cùng' như những CODEC Bluetooth thông thường khác (thường được phát triển để truyền dữ liệu khác nhạc), mà đo đạc sự khác biệt của tín hiệu nhạc giữa thời điểm này và thời điểm khác để truyền đi. Nhờ cách làm này mà apt-X có thể nén, giải nén nhạc hiệu quả hơn, dùng ít pin hơn những CODEC khác, thậm chí giảm độ trễ."
Và phải công nhận một điều, những lợi ích mà apt-X đem lại cho những cặp tai nghe TWS là vô cùng lớn. Đầu tiên ta nói về vấn đề chất lượng pin: Urbanista Athens có thể chơi nhạc được liên tục trong 8 tiếng, nâng lên tới 32 tiếng với hộp sạc; Paris có thiết kế tai nghe và hộp sạc vô cùng nhỏ gọn nhưng cũng cán mốc 20 tiếng; và ấn tượng hơn hết là cặp Noble Falcon - cho thời lượng sử dụng độc lập lên tới 10 tiếng, và nâng lên tới 40 tiếng khi sử dụng hộp sạc. Đây đều là những con số 'không tưởng' với loại tai nghe TWS, chỉ xuất hiện ở những tai nghe trùm đầu loại lớn - nhưng giờ đã khả thi nhờ apt-X và chip Qualcomm.
Vấn đề độ trễ và kết nối cũng được giải quyết một cách triệt để. Những cặp tai nghe sử dụng chip của Qualcomm chắc chắn sẽ được hỗ trợ chuẩn TWS hoặc TWS Plus, kết nối nguồn phát với tai nghe ở cả 2 bên tai giống với những tai nghe Jabees, đem lại những lợi ích đã kể trên. Tai nghe sử dụng chip Qualcomm, smartphone Android hiện nay cũng đã phần sử dụng chip Qualcomm, việc 2 thiết bị có sử dụng linh kiện xử lý của cùng chung một hãng thì chắc chắn sự tương tác sẽ hoàn hảo, đem tới một trải nghiệm mượt mà.
apt-X cũng sẽ đem lại những ưu điểm về chất lượng âm thanh, khi phải nén nhạc ít hơn trong quá trình truyền dẫn từ nguồn phát tới tai nghe. Chất lượng âm thanh cuối cùng vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhạc mà người dùng sử dụng, chất lượng màng loa của nhà sản xuất tai nghe và cũng cả vào gu nghe nhạc của mỗi người nữa. Nhưng một điều chắc chắn: ta sẽ yên tâm hơn rằng những gì nguồn phát ra được thì tai nghe sẽ nhận được chính xác lượng dữ liệu đó, không bị mất mát quá nhiều như những chuẩn trước đây nữa.
Nhược điểm (rất nhỏ) hiện nay của chuẩn Qualcomm apt-X đó là hiện 2 bên tai nghe trong Menu Bluetooth của smartphone, nên bỗng dưng danh sách thiết bị Bluetooth của người dùng sẽ dài hơn thêm 1 dòng. Nhưng cũng nhờ vào nhược điểm này mà ta chọn được bên tai muốn làm bên 'chính', như ở Noble Falcon là để xác định sử dụng bên ngoài để điều khiển nhạc, nhấn nút nhận cuộc gọi.
Ta có thể mong đợi gì trong 2020?
Nhờ những công nghệ nói trên, mà tai nghe TWS đã phát triển rất nhanh trong thời gian nửa cuối 2019, nhưng vào 2020 ta sẽ còn mong đợi có thêm nhiều điều nữa. 2 'trend' đang rất thịnh hành hiện nay ở tai nghe không dây TWS đó là chống ồn chủ động và sạc không dây. Chống ồn chủ động hiện đã xuất hiện ở 3 cặp tai nghe là Apple AirPods Pro, Huawei Freebuds 3 và Sony WF-1000xm3, và khi công nghệ này trở nên 'mở' hơn vào năm sau thì chắc chắn sẽ có nhiều hãng áp dụng vào tai nghe của mình hơn.
Khả năng sạc không dây hiện nay cũng đã xuất hiện ở một số tai nghe nhất định, có thể kể tới như Astrotec S50, S60, Jabees Firefly Pro và Firefly 2 như đã nói ở trên, cặp Urbanista Paris. Đây là một công nghệ rất hữu ích, nhất là khi những smartphone cao cấp hiện đang dần được trang bị khả năng chia sẻ năng lượng ở mặt lưng (Galaxy Note 10, S10, Huawei P30 Pro...), giúp ta có thể sạc tai nghe ngoài đường khi không tìm thấy ổ cắm. Thị trường tai nghe quả thực đã sôi động trở lại, nhờ vào tai nghe True-wireles. Và người được lợi cuối cùng chắc chắn sẽ là người dùng, nhờ vào những sự tiện lợi mà loại tai nghe này đem lại.