Đánh giá loa di động EarFun UBOOM: Thanh lịch, trưởng thành từ thiết kế tới chất âm
Không có quá nhiều tính năng làm người dùng phải 'Wow' ngay trong lần thử đầu tiên, EarFun UBOOM dành lại điểm nhờ một chất âm rất trưởng thành, sạch sẽ hiếm thấy ở 1 chiếc loa di động!
Ngay từ khi thành lập vào cuối 2018, EarFun đã tạo nên tên tuổi của mình với những cặp tai nghe True Wireless với lượng tính năng vượt tầm giá, chất âm sôi động ở tầm giá rẻ. Nhưng đây có lẽ cũng là lý do mà nhiều người bỏ qua 1 sản phẩm cũng rất đáng để tâm của hãng, đó chính là chiếc loa EarFun UBOOM. Khác với những 'anh em' tai nghe của mình, UBOOM là một chiếc loa đơn giản, không phô trương nhưng lại có thế mạnh về nhiệm vụ chính của nó: chất lượng âm thanh.
Chiếc loa này được đóng vào một chiếc hộp vuông vắn, 1 chiều cao lên theo đúng chiều của loa bên trong.
Khác với mặt trước có màu xám đơn giản thì bên cạnh hộp loa lại là 1 mặt màu vàng, in tên của sản phẩm.
Khá là giống với những chiếc loa trên thị trường, UBOOM có phụ kiện chỉ bao gồm giấy hướng dẫn sử dụng và dây sạc USB Type-C mà thôi, không có gì nhiều cả.
Và đây là chiếc loa của chúng ta ngày hôm nay. Như đã nói, chiếc loa này có thiết kế khá là tinh tế, không phô trương quá nhiều. Thân loa có hình trụ nhưng phần đỉnh sẽ thuôn gọn hơn 1 chút so với đáy, xung quanh được bọc vải bện để thêm 1 chút điểm nhấn cũng như cho cảm giác cầm nắm chắc chắn hơn.
Điểm khác lạ về màu sắc duy nhất của loa chính là chiếc 'tai' bằng vải để móc vào xe, móc tay vào. Khác với chiếc XB23 đến từ Sony thì có vẻ chiếc tai trên UBOOM được làm hơi nhỏ, nếu hãng làm lớn hơn 1 chút nữa thì sẽ dễ dàng treo móc hơn.
Các cổng kết nối của loa được dấu phía sau 1 lớp nhựa để đảm bảo khả năng chống nước IPX7, bao gồm 1 cổng USB Type-C và một cổng 3.5mm để nghe nhạc theo dạng cắm dây những lúc loa hết pin.
Chuẩn chống nước cao tới ngưỡng IPX7 giúp cho UBOOM khá là bền bỉ với tác động của nước, bạn thậm chí có thể đem loa nhúng xuống hồ bơi rồi đem lên mà không sợ loa bị hỏng. Có lẽ sẽ ít ai làm điều này vì đem xuống nước cũng chả nghe thấy tiếng loa nữa, chắc là để dành cho những lúc sơ sẩy là chủ yếu mà thôi.
Các nút bấm điều khiển loa được đặt ở đỉnh loa, làm chìm xuống dưới để giữ được thiết kế liền lạc. Ta có nút bật tắt, tăng giảm âm lượng, nút kết nối 2 loa lại với nhau để cùng phát nhạc stereo và nút chuyển giữa 2 chế độ âm thanh, trong nhà và ngoài trời, mà ta sẽ tìm hiểu ngay dưới đây thôi.
Cuối cùng, loa có thời lượng sử dụng khoảng 16 tiếng, đã vượt qua được chiếc Sony XB23, nhưng thua các sản phẩm cao cấp hơn của Sony và LG.
Nói đến đây, ta vẫn chưa tìm thấy điểm nào mà UBOOM vượt trội hoàn toàn so với các lựa chọn khác trên thị trường, đặc biệt là với 2 hãng Sony và LG mà ta đã nhắc đến khá nhiều. Nhưng đến với phần âm thanh, thì chiếc loa này lại thể hiện được thế mạnh vượt trội của mình với một chất âm khá toàn diện từ dải trầm tới dải cao, có rất ít những điểm để có thể chê trách được.
Đầu tiên là dải trầm, chiếc loa này không hề có cảm giác bị thiếu lượng một chút nào khi mà lượng trầm luôn ở ngưỡng trung bình khá. Tuy vậy, cách thể hiện trầm của UBOOM lại rất khác so với những chiếc loa eXtra Bass của Sony như chiếc Sony XB-23 chẳng hạn, khi nhấn gần như toàn bộ vào phần mid-bass, làm phần này cực kỳ gọn để 'nhấn phát nào ra phát đó', không rề rà chậm chạp. Hay nói một cách khác, UBOOM thể hiện âm trầm theo dạng nhấn, hay vì dạng 'ầm' hay 'ù'.
Kiểu thể hiện này cũng có 1 chút yếu điểm nhỏ khi đem ra ngoài trời, khi mà những chiếc loa từ Sony mặc dù nghe trong nhà thì hơi thừa lượng nhưng khi đem ra ngoài trời, những âm trống tiêu tán dần đi thì lại thành vừa. Tính năng chỉnh âm thanh ngoài trời của UBOOM không tăng về bass, mà lại thay đổi nhiều hơn về dải trung!
Dải mid của UBOOM cũng thể hiện rõ được ý đồ của EarFun đó là tạo ra 1 chiếc loa sạch sẽ, giúp tiết tấu bài nhạc trở nên nhanh và sôi động hơn. Giọng Anjulie trong Close to the sun cứng cáp, sáng sủa và dễ dàng 'chọc' được qua lớp trầm vì 2 phần này tách bạch với nhau khá là rõ rệt. Mid của UBOOM không 'ngại' việc lên cao ở phần high-mid, nên mỗi khi ca sĩ lên giọng đều có cảm giác khá là thoát, như tỏa lên phía trên loa thay vì phát ra từ thân loa. Cá nhân mình cho rằng cách thể hiện âm mid của UBOOM vượt mặt hoàn toàn so với những chiếc loa eXtra Bass của Sony khi mà những chiếc loa đó có phần trung hơi hiền quá, gần như chìm vào với nền âm; nhưng đôi khi cũng thiếu độ 'ngọt' và dễ nghe của các dòng loa XBoom Go của LG.
Những ưu điểm của chất âm UBOOM vẫn chưa dừng lại, khi đến cả phần cao thì loa cũng thể hiện tốt. Phần cao thực sự là rất sáng, được thể hiện 'tơi', mỗi khi nổi lên là ta nghe rõ từng tiếng một thay vì tạo thành một 'cục treble' giữa bài nhạc. Kiểu tinh chỉnh treble của UBOOM có phần hơi điện tử 1 chút, nên mình cho rằng hãng vẫn hướng người dùng tới việc dùng loa cho các bài nhạc Pop hơn là nhạc trữ tình, chậm rãi.
Chiếc Sony XB-23, mặc dù có giá tiền cao hơn nhưng chất lượng âm thanh lại có nhiều phần 'nhún nhường' so với EarFun UBOOM
Phải nói là mình khá bất ngờ về chất lượng âm thanh của EarFun UBOOM, nó chưa thể gọi là hoàn hảo được khi vẫn còn có 1 chút 'sạn' nhè nhẹ, nhưng vẫn có thể nói là vượt tầm giá khi đánh tay đôi, thậm chí thắng về rất nhiều mặt so với những chiếc loa đắt tiền hơn kha khá như Sony XB-23!
Chất âm rất đáng giá tiền
Trước khi được trải nghiệm, mình không đặt kỳ vọng quá nhiều vào chiếc EarFun UBOOM vì là một chiếc loa của 1 hãng chuyên sản xuất tai nghe, làm sao nó có thể vượt mặt được những loa của hãng lớn được chứ? Nhưng suy nghĩ này thay đổi nhanh chóng khi mình bật chiếc loa này lên, mình gặp 1 chất âm khá toàn diện từ trầm tới cao, cho cảm giác sạch sẽ, thanh lịch nhưng không kém phần năng động.
Sẽ là 1 thử thách lớn để UBOOM cạnh tranh được với những dòng loa từ Sony và LG, vì đây đã là những hãng lớn có tên tuổi trên thị trường. Ngược lại, UBOOM giống với những cặp tai nghe của EarFun, có khả năng đem lại p/p rất cao cho những ai biết và sở hữu nó.
>> Đặt hàng những sản phẩm từ hãng âm thanh EarFun tại IDO Audio