Trải nghiệm Noble Falcon Pro và so sánh Sennheiser Momentum TWS 2: Tầm cao mới của chất âm True Wireless
Với bước giá có thể nói là "nhảy vọt" so với các sản phẩm tiền nhiệm, liệu Falcon Pro có thể đem tới được người dùng một trải nghiệm cũng mang tính nhảy vọt hay không?
Vào cuối 2019, Noble đã ra mắt cặp tai nghe Falcon và chứng minh rằng mình là một hãng hoàn toàn có khả năng sản xuất tai nghe True Wireless với chất lượng cao. Chưa dừng lại ở đó, hãng tiếp tục trở lại bàn làm việc và thiết kế cặp Falcon Pro, đưa kinh nghiệm làm các cặp tai nghe nhiều màng loa vào thiết kế không dây, "nghênh chiến" ở một tầm giá cao hơn nữa.
Chắc chắn rằng mức giá 8 triệu Đồng của cặp tai nghe này sẽ làm nhiều người phải hoài nghi, rằng liệu nó có thể đem tới được chất âm tốt đến mức nào. Nói một cách khác, Falcon Pro đã có giá bán đắt hơn gấp đôi so với Falcon trong thời điểm ra mắt (và giờ là Falcon 2), thì nó có hay đến gấp đôi hay không?
Dù sản phẩm có đắt đến mấy, Noble vẫn trung thành với kiểu hộp đơn giản, không quá lớn và cũng không có nhiều chi tiết thừa thãi.
Cách đóng hộp bên trong cũng tương tự luôn, không có gì khác biệt so với cặp Falcon thế hệ đầu tiên cả.
Phụ kiện của tai nghe bao gồm một sợi dây sạc USB Type-C, túi đựng bằng vải loại lớn như Falcon 2 và 2 cặp đệm. Đệm tai của Falcon từ thế hệ đầu tiên cho đến Pro không phải là loại thường mà là dạng e-Pro, với đầu ngắn hơn và thiết kế đặc biệt để phù hợp với ống âm khá dài của những cặp tai nghe này.
Giống như cặp Falcon 2, Falcon Pro đã chuyển sang dùng một loại hộp lớn hơn so với phiên bản để gia tăng thời lượng pin. Thay vì có thời lượng 40 tiếng tổng cộng như trước thì giờ ta có 50 tiếng nghe nhạc, chưa phải là tốt nhất trên thị trường hiện nay nhưng cũng là rất đáng nể rồi, ta không phải quá lo đến vấn đề phải sạc pin liên tục nữa.
Nhược điểm của hộp sạc này mà chắc chắn các bạn cũng đã nhìn ra là nó đã lớn hơn khá nhiều so với hộp của phiên bản đầu tiên, nên mình thường cho vào balô, ngăn cặp thứ cũng hạn chế cho vào túi quần, có vẻ là hơi bị cộm.
Sự khác biệt lớn nhất về thiết kế của Falcon Pro so với 2 phiên bản tầm thấp hơn nằm nhiều ở phần đeo tai, khi mặt ngoài của tai không được làm bầu bĩnh, tròn trịa nữa mà có hình giọt nước, vát ở 1 phần. Tùy vào mắt thẩm mỹ của mỗi người mà thiết kế này là đẹp hơn hay xấu hơn, đối với mình thì nó là đẹp hơn vì khi đeo lên tai sẽ nhìn đỡ cồng kềnh hơn. Mặt ngoài này cũng là mặt cảm ứng, cho phép điều khiển nhạc, chỉnh âm lượng, nhận cuộc gọi. Những tính năng của nút bấm có thể được đổi cho nhau một cách dễ dàng thông qua phần mềm của hãng.
Và đến đây thì sự khác biệt giữa những cặp Falcon đã dừng lại, khi mà phần trong của tai nghe được thiết kế giống hệt, với một phần gờ lồi lên nho nhỏ và ống âm dài đã làm nên tên tuổi của dòng sản phẩm này. Với mình đây là một ưu điểm khá là lớn, vì đối với những ai đã từng sử dụng Falcon thế hệ đầu muốn nâng cấp lên phiên bản Pro, chỉ cần dùng đúng loại đệm tai ePro cũ là sẽ có cảm giác đeo, cảm giác fit và chất lượng cách âm giống y hệt, không khác 1 chút nào.
Với cặp tai nghe này, rất tiếc là Noble vẫn chưa trang bị cho nó khả năng chống ồn ANC như những cặp tai nghe cùng tầm giá, nhưng với cách đeo sâu và khá chặt sẵn rồi thì khả năng chống ồn thụ động cũng đã quá cao rồi, kém chỉ khoảng 10 - 20% so với những cặp tai nghe có ANC mà thôi.
Về mặt tính năng trong thiết kế, cặp Falcon Pro sở hữu khả năng chống nước IPX5, tức là có thấp hơn so với IPX7 của Falcon 2. Điều này có thể được lý giải bởi việc cặp tai nghe này được trang bị nhiều màng loa hơn, đặc biệt là BA được đặt rất gần với lỗ âm nên khả năng kháng nước cũng sẽ bị giảm đi đôi phần. Mọi người vẫn có thể sử dụng nó để đi tập thể dục, đi dưới mưa được, nhưng tuyệt đối không đem xuống bể bơi.
Giao diện phần mềm Noble Sound Suite
Cũng giống như Falcon 2, Falcon Pro đã có phần mềm để điều khiển trên smartphone Android và iOS. Với Noble Sound Suite, ta có thể điều chỉnh chức năng của các nút bấm cảm ứng trên tai, bật tắt tính năng nghe môi trường Hear Though, nâng cấp phần mềm để tăng tính ổn định và cuối cùng là chỉnh chất âm thông qua EQ.
Về chip điều khiển thì Falcon Pro cũng giống Falcon 2 luôn, đó là con chip Qualcomm QCC3040 với Bluetooth 5.2, apt-X và công nghệ Qualcomm TWS Mirroring để giảm độ trễ, đồng thời là chỉ hiện 1 thiết bị duy nhất trên smartphone thay vì thành 2 bên tai như phiên bản Falcon đầu tiên. Đây đã trở thành một con chip "mặc định", mang tính tiêu chuẩn cho những cặp tai nghe TWS của năm 2021 rồi, những vấn đề như độ trễ, chất lượng truyền tải đều không thể phàn nàn được!
Nói đến đây, ta chưa tìm được quá nhiều điểm khác biệt so với Falcon 2, vậy thì toàn bộ sự khác biệt về tầm giá (lên tới gần gấp đôi) của Falcon Pro đều nằm cả ở chất lượng âm thanh. Đây cũng chính là lý do tại sao kỳ vọng của người dùng đặt vào khả năng tái tạo âm thanh của cặp tai nghe này lại rất cao, và liệu nó có thể đáp ứng được hay không. Để tạo âm thanh, Falcon Pro có 1 màng Dynamic phủ Titan để đảm nhiệm phần bass, còn 2 màng Balance Armature từ hãng Knowles dành cho dải mid và cao, khác biệt hoàn toàn so với màng phủ Graphene của Falcon 2.
Mặc dù có 2 công nghệ màng loa khác hẳn nhau, nhưng chất âm tổng thể của những cặp tai nghe này đều theo 1 hướng nhất định đó là kiểu âm sáng, có 1 chút sự V-shape để tạo sự tương phản giữa bass và treble. Tuy vậy khi đi về từng dải, ta sẽ thấy được những sự khác biệt nhất định để thấy được giá trị của số tiền cao hơn của Falcon Pro.
Đầu tiên là về âm bass, dải này bất ngờ không có lượng nhiều hơn so với Falcon thế hệ đầu tiên mà lại ít đi! Đúng vậy, mặc dù có nhiều màng loa hơn nhưng Falcon Pro lại có lượng bass thấp hơn so với phiên bản Falcon thường. Tuy vậy mỗi lần nhấn xuống thì bass của phiên bản Pro có "giá trị" cao hơn, khi nó được chơi rất gọn tại 1 điểm, tính punchy cao và gần như là không có dư âm. Phần sub-bass có tính kiểm soát cao hơn khá nhiều, giúp cho nền âm giảm đi sự boomy so với phiên bản đầu tầm thấp, nhường chỗ cho các dải âm khác thể hiện nhiều hơn.
Bắt đầu từ dải mid, Falcon Pro sẽ sử dụng những màng loa BA. Kiểu âm trung của Falcon Pro chắc chắn sẽ làm người dùng phải ấn tượng ngay từ lần đầu nghe, không phải vì nó dày, chiếm nhiều diện tích mà vì nó có tính airy, trong suốt cao. Nó làm được điều này vì phần high-mid được đẩy cao hơn so với low-mid, thể hiện như ngay bên cạnh người nghe vậy. Phần high-mid này dường như đạt đến rất gần với giới hạn của sibalance vậy, khi mà những bài nhạc được thu âm tốt sẽ rất sáng và nổi bật, còn những bài nhạc thu âm kém, đã có sibalance sẵn thì sẽ được lột tả rõ ràng.
Sự "BA" của Falcon Pro không những thể hiện ở mid mà còn thấy được rõ ở treble nữa, khi mà nó có độ sáng cao, thể hiện một cách rõ ràng. Những ai đã từng sử dụng, thưởng thức những cặp tai nghe Balance Armature có lẽ sẽ hiểu rõ về âm treble này, nó có độ nổi bật rất rõ rệt, đôi lúc chỉ có hơi mỏng 1 chút so với treble được thể hiện từ màng loa Dynamic.
Điểm đáng nói nhất ở Falcon Pro là khả năng thể hiện âm trường của nó. Trong bài Hide and seek, những giọng hát backup gần như là thoát ra khỏi đầu người nghe, không khác gì cảm giác được thể hiện từ những cặp tai nghe full-size open cả. Những phần âm thanh từ giữa đầu người nghe đến rìa cũng được xếp lớp một cách rõ ràng, một điểm mà Falcon thường thể hiện ở mức khá, chứ chưa thể nói là tốt.
Trong cùng tầm giá này, Falcon Pro sẽ có gặp sự cạnh tranh từ Sennheiser Momentum TWS 2, một cặp tai nghe TWS cũng đã có chỗ đứng khá vững trãi tại thị trường Việt Nam. Nói về mặt tính năng, Falcon Pro sẽ vượt trội hoàn toàn so với Momentum TWS 2 về thời lượng pin, khi mà sản phẩm từ Đức chỉ có thời lượng tổng cộng khoảng 28 tiếng mà thôi. Nhưng lý giải cho vấn đề này là vì Momentum TWS 2 có thêm công nghệ chống ồn chủ động, thứ mà Falcon Pro đã không được trang bị.
Về thiết kế / cảm giác đeo, mỗi cặp tai nghe lại có 1 vài yếu điểm và ưu điểm riêng. Cặp Momentum TWS 2 có thiết kế vỏ đeo tai khá là lớn về chiều ngang, nên đối với những ai có vành tai nhỏ thì sẽ cảm thấy cấn 1 chút. Ngược lại thì Falcon Pro sẽ bé hơn nhưng với phần ống âm "đâm" sâu hơn vào ống tai của người nghe, những ai chưa lần nào sẽ cảm thấy hơi ngộp. Mỗi người sẽ cảm thấy thoải mái hơn với 1 cách đeo của 2 cặp tai nghe này, chúng đều được thiết kế hơi lớn vì quả thật bên trong có khá nhiều những thành phần điện tử khác nhau, không thể làm nhỏ hơn được.
Khi so sánh về chất âm, ta có thể thấy được rõ triết lý âm thanh khác nhau hoàn toàn của 2 hãng. Sennheiser đặc biệt là với dòng Momentum thường đi theo một hướng "an toàn" hơn, khi mà các dải được đặt gần như ngang bằng với nhau, âm trầm đậm đều đặn, mid và treble đều có độ dày nhất định.
Trái ngược với đó là Noble, với Falcon 2 và Pro đều muốn người dùng phải cảm thấy ấn tượng ngay từ lần đầu tiên nghe khi chất âm có sự tương phản cao, phần high mid lên cao hơn rõ rệt. Riêng về khả năng tái tạo âm trường, Falcon Pro là người dành chiến thắng khi mà kiểu âm sáng, treble "leng keng" và được đặt xa người dùng khiến cho âm trường của nó rộng hơn kha khá so với dạng âm ấm, hơi ngả tối nhẹ của cặp tai nghe từ Sennheiser.
Đưa chất lượng True Wireless lên một tầm cao mới
Noble là một hãng đã quá nổi tiếng với những cặp tai nghe Hybrid, sử dụng nhiều loại màng loa khác nhau để tạo nên một chất âm có tính toàn diện cao. Và những kinh nghiệm này đã thể hiện khá rõ ở Noble Falcon Pro, khi cặp tai nghe có một kiểu âm sạch sẽ, làm nổi bật được thế mạnh của cả màng Dynamic ở dải trầm và độ sáng của BA trong high-mid và treble, bên cạnh đó là một âm trường vô cùng rộng rãi, vượt trội so với những cặp TWS khác. Thứ mà hãng còn phải nghiên cứu đó là chống ồn chủ động - mặc dù không phải là thứ mà Falcon Pro thực sự cần, nhưng cũng đang là một xu thế mà dường như bất cứ một cặp TWS nào trên thị trường nào cũng đang hướng tới.
>> Tất cả những cặp tai nghe True Wireless chất lượng cao từ Noble tại IDO Audio