Những chiếc tai nghe sony nổi tiếng
Cùng với các “đại gia” trong làng tai nghe như Sennheiser, Stax, Audio-Technica, Grado, AKG, beyerdynamic… Sony là một tên tuổi lừng danh và được người hâm mộ cũng như các tạp chí chuyên về âm thanh đánh giá rất cao. Sau đây là một số tai nghe tiêu biểu:
MDR-R10
Với một số lượng hạn chế khoảng 2500 cái được xuất xưởng từ năm 1989 đến năm 2004, MDR-R10 được mệnh danh là “King of Headphones” vì sự hoàn hảo và khả năng thể hiện âm thanh tuyệt vời của nó. R10 được thiết kế với kỹ thuật tiên tiến dựa trên những nghiên cứu mới nhất trong ngành âm học. Màng loa được làm bằng sợi giấy sinh học (bio-cellulose: xenlulô sản xuất từ một thứ vi khuẩn được nuôi dưỡng đặc biệt), chụp loa từ 1 loại gỗ Nhật Bản và đệm tai bằng da cừu.
Âm thanh của R10 là một thứ âm thanh toàn mỹ: đầy đặn, tinh tế và hết sức tự nhiên. Giải tần rất rộng. Âm bass rõ ràng, đĩnh đạc; mid rất giàu chi tiết được thể hiện một cách ngọt ngào hiếm có và tiếng treble nhẹ nhàng trong vắt. R10 tái hiện lại một không gian âm thanh mênh mang đầy nhạc tính làm người nghe chìm đắm trong môi trường đầy cảm xúc và sống động như trong thực tế của buổi hòa nhạc.
Giá của R10 cao ngất ngưởng (chỉ đứng dưới HE90), xứng đáng với danh hiệu của nó: 4.000 USD!!!*
Tuy vậy hiện nay R10 mất hút trên thị trường: hầu hết đều nằm trong tay giới chơi âm thanh cũng như các nhà sưu tập và rất hiếm người muốn nhượng lại sau khi đã sở hữu nó.
QUALIA 010
Cuối năm 2003 Sony tung ra dòng sản phẩm siêu cấp mang nhãn hiệu Qualia như một sự trình diễn về kỹ thuật cao trong lĩnh vực nghe nhìn. Được thiết kế hoàn hảo, mang tính nghệ thuật cao với những công nghệ mới nhất, Qualia 010 có tham vọng kế thừa vị trí dẫn đầu của R10 và thiết lập một khái niệm hoàn toàn mới trong lĩnh vực tai nghe. Với màng loa bằng vật liệu tổng hợp nano, Qualia 010 tái tạo lại âm thanh theo một tiêu chuẩn rất cao với giải tần lên đến 120KHz (tương thích với chuẩn SACD và DVD-Audio). Âm thanh của 010 cực kỳ chính xác và chi tiết. Do vậy có ý kiến cho rằng nó mang chút âm sắc số (digital) mà thiếu đi cái mộc mạc thuần khiết và mềm mại của R10. Loại tai nghe này có 3 cỡ là nhỏ, vừa và lớn, có khoảng chỉnh rộng hẹp rất nhỏ nên rất khó đặt nó ở vị trí tối ưu khi sử dụng, và điều này là tối quan trọng đối với những ai muốn thưởng thức trọn vẹn khả năng diễn đạt âm thanh của Qualia 010.
Dù vẫn còn một số ý kiến trái chiều, Qualia 010 được đánh giá rất cao trên các diễn đàn. Với giá 2.600 USD liệu Qualia 010 có thể thay thế được địa vị của R10 không? Chúng ta hãy chờ xem!
MDR-CD3000
Cũng với chất liệu màng loa giấy sinh học, có thể nói CD3000 là chiếc R10 dành cho đại chúng, và nó cũng là sản phẩm dẫn đầu của dòng Sony này. Tất cả những đặc tính về âm thanh được mô tả với R10 đều có thể áp dụng với CD3000, với mức độ thấp hơn một chút: âm trầm sâu và chắc, trung âm mượt mà, âm cao thanh thoát. Riêng về chất lượng bass và độ chi tiết thì nó hoàn toàn có thể sánh được với ông anh lớn R10. Thuộc loại dễ nghe, CD3000 thích ứng với mọi thể loại nhạc: classical, jazz, vocal, rock, electronica…
Với thiết kế chụp tai lớn và quai đeo lỏng, CD3000 tạo cảm giác thoải mái cho người sử dụng - có thể nghe nhạc hàng giờ mà không thấy nóng tai hay khó chịu (Danh vị quán quân về đặc tính này chắc vẫn thuộc về Qualia 010 và MDR-F1 cũng của Sony).
Để sở hữu CD3000 hầu bao của bạn sẽ phải vơi đi khoảng 400USD.
Tiếp nối CD3000 hiện nay là MDR-SA5000 - 1 model mang tính hiện đại hơn về chất liệu và thiết kế - nhưng giới nghe nhạc lâu năm vẫn dành nhiều ưu ái cho CD3000.
MDR-V700DJ
Công cụ dành cho các disc jockey của Sony. Kiểu dáng rất đẹp và hiện đại (đã thấy xuất hiện một số tai nghe bắt chước kiểu như Audio-Technica ATH-PRO700, Ultrasone DJ1, Denon DN-HP1000 DJ…**). Công suất khá lớn: 3000mW - gấp 2, 3 lần tai nghe bình thường. Âm thanh của nó rất đặc trưng với tiếng mid-bass nổi trội. Dù là một tai nghe chuyên dụng dành cho những DJ để mix nhạc nhưng bạn cũng có thể dùng nó để nghe một số thể loại nhạc như hip-hop, dance.
Vì tính thời trang của nó, có thể dễ dàng gặp V700DJ ở những showroom của Sony và nó quả là thích hợp với mục đích trình diễn: hình thức đẹp, âm thanh sôi động (theo kiểu các dàn loa x.1 đánh ầm ầm ở các cửa hàng vi tính!!!)…
MDR-V700DJ giá khoảng 150USD.
MDR-V6
MDR-V6 lừng danh vì chất lượng đã được rất nhiều phòng thu kiểm chứng và sử dụng. Âm thanh tương đối cân bằng trong toàn dải, với độ chi tiết khá tốt - giọng hát và các nhạc cụ vang lên tách bạch, rõ ràng (đặc điểm của dòng studio monitor), tuy rằng âm sắc có hơi cứng một chút. Với độ nhạy cao, V6 rất dễ đánh: dùng discman, minidisc, mp3 player hoặc mobile phone đều thích hợp.
Thuộc dạng semi-portable, V6 được thiết kế gọn nhẹ, có thể gấp lại được để dễ mang theo người. Tuy không thuộc loại nồi đồng cối đá nhưng V6 có cấu tạo khá chắc chắn để có thể sử dụng bền bỉ trong sinh hoạt thường ngày và trong những môi trường như sân khấu, phòng thu, đài phát thanh và truyền hình…
Mới xuất hiện trở lại trên các quầy hàng với giá 62 USD, chiếc V6 này thật là đáng đồng tiền bát gạo và thích hợp với túi tiền của mọi người.
(Vì mức độ quá phổ biến của V6, Sony đã quyết định “tân trang” lại nó bằng cách thay cái jack mạ vàng cho lên đời thành MDR-7506 và bán với giá đắt gấp rưỡi!!!)
MDR-E484
Tai nghe “vang bóng một thời” của Sony. Ra đời từ thập niên 80 thế kỷ trước, đối với một số người nó cũng là một loại “king of earbuds” và được cho là đứng trên E888 một bậc.
Hiện nay E484 rất khó kiếm trên thị trường.
MDR-E888
Một chuẩn mực của Sony thường được tham chiếu trong những bài viết bình luận về các loại earbud. Âm thanh truyền cảm, đầy chi tiết mà vẫn tự nhiên. Cả ba giải cao, trung, trầm được diễn tả nhẹ nhàng và linh hoạt tạo nên cảm giác thư giãn cho người nghe. Làm được điều đó có lẽ do E888 cũng sở hữu màng loa giấy sinh học như các tai nghe cao cấp ở trên. Nhược điểm duy nhất của E888 là rất bị dễ đứt cuộn cảm (voice coil). Do vậy khuyến cáo thường gặp là không nên nghe E888 với mức âm lượng lớn khi đã kích hoạt mạch bass-boost trên máy.
Với khoảng hơn 60 USD bỏ ra là người ta có thể sở hữu sản phẩm xứng đáng mang tên Sony này.
Sony EX70/EX71
Đối với dòng IEM (in-ear monitor) thì EX70/71 là chiếc tai nghe được nói đến nhiều nhất trên các diễn đàn vì mức độ phổ biến và tính hiệu dụng của nó. Với iPod thì nó là lựa chọn khá thích hợp: tiếng bass cực mạnh của nó bổ sung rất tốt cho âm sắc thiên sáng của dòng máy nổi tiếng này. Tuy nhiên, một số người sành nghe cho rằng âm thanh của chiếc tai nghe này hơi thiếu chi tiết, giải trung bị âm trầm lấn lướt trong khi âm cao lại hơi gắt. Về sự hài hòa giữa các giải và cách tái hiện các âm sắc khác nhau thì rõ ràng là EX70/71 không được đánh giá tốt như một số tai nghe tương tự và ở cùng một mức giá của Sharp, Creative…
Đây là chiếc tai nghe phổ thông với giá là 30 USD.
* giá cả trong bài viết tham khảo tại Amazon, Audiocubes, Etronics… tháng 1/2007.
** Ở VN thì Somic V800 chính là một bản sao của V700DJ, thấy xuất hiện trên chương trình “Tam sao thất bản”.