Ultimate Ears BOOM 3 chất âm cân bằng dễ nghe, chi tiết
Sau một thời gian chờ đợi không quá lâu, hãng Ultimate Ears cuối cùng cũng ra mắt phiên bản mới nhất cho chiếc loa di động vô cùng nổi tiếng của họ - chiếc Boom 3. Phiên bản này có những nâng cấp gì, và còn đáng mua như phiên bản cũ hay không?
Mở hộp / Thiết kế
Khác với phiên bản năm ngoái, sử dụng vỏ hình trụ dài thì năm nay hãng âm thanh Mỹ đã chuyển sử dụng lại vỏ hộp hình chữ nhật tiêu chuẩn hơn, nhưng cũng vẫn giữ được vẻ ngoài đơn giản.
Nhưng khi mở lớp giấy bên ngoài ra thì một điều ngược lại đã xảy ra: ta có một lớp hộp vô cùng nhiều màu sắc, chắc chắn ai nhìn vào cũng sẽ thấy ấn tượng! Loa được đặt gọn gàng trong hộp, không có thêm lớp nhung nhưng cũng được đặt khá chặt nên không cần thiết cho lắm.
Một điểm mà mình cho là rút gọn so với bản năm ngoái, đó là phụ kiện. Thay vì có thêm các dock sạc với các cổng sạc của các nước thì phiên bản Boom 3 chỉ có dây sạc mà thôi. Có lẽ hãng muốn người dùng sử dụng chung dock sạc với điện thoại.
Trở lại với sản phẩm chính của chúng ta: chiếc Boom 3. Qua các phiên bản, Ultimate Ears không thay đổi quá nhiều thiết kế của dòng sản phẩm Boom, và chiếc Boom 3 cũng không phải là ngoại lệ. Loa có thiết kế hình trụ dài, với đặc điểm nhận dạng vô cùng đặc trưng là thân được bọc vải và 2 nút chỉnh âm lượng siêu lớn.
Ở phiên bản mới, hãng cũng bỏ lớp cao su ở giữa thân loa, nên ta cũng có một thiết kế liền lạc hơn 1 chút. Cạnh trên ta có 3 nút thay vì 2 nút như trước, trong đó có 1 nút bật tắt Bluetooth, nút nguồn và 1 nút chuyên để dừng / chơi nhạc.
Chuyển qua mặt sau, loa có 1 phần móc nhỏ bằng vải (phần này trước được đặt ở cạnh đấy) và 1 cổng sạc micro USB phía sau cửa cao su để giữ chuẩn chống nước và bụi IP67. Với phiên bản này, hãng đã từ bỏ cổng nhạc 3.5mm nên đây sẽ trở thành một chiếc loa không dây hoàn toàn, cũng dễ hiểu vì giờ các thiết bị di động đã dần từ bỏ cổng 3.5mm để sử dụng riêng Bluetooth.
Cạnh đáy ta có một tính năng mới: chất kết nối để giúp loa có thể sạc qua dock. Người dùng sẽ mua thêm một dock sạc riêng với giá bán $40, và có thể cắm chết để loa trở thành loa cố định mà không bao giờ lo bị hết pin. Nói về vấn đề pin sạc, viên pin của Boom 3 cho thời lượng chơi nhạc khoảng 15 tiếng, nhìn chung là ở mức ổn, không quá lâu nhưng cũng đủ để dùng 1 tuần mà không phải sạc.
Chất lượng hoàn thiện nói chung của loa vẫn thuộc hàng tuyệt vời, không khác gì các sản phẩm năm ngoái. Mình đánh giá cao các loa của UE hơn của Sony ở điểm khi cầm trên tay, ta có cảm giác sản phẩm chắc nịch, không có không gian rỗng ở bên trong, nên cũng vì vậy mà cho cảm giác chắc chắn, cao cấp hơn.
Phần mềm
Hãng cung cấp cho người dùng một phần mềm mang tên Ultimate Ears Boom, từ phần mềm này ta có thể cập nhật phần mềm loa, bật tắt ngôn ngữ hướng dẫn, điều chỉnh chất âm bằng EQ và cuối cùng là kết nối nhiều loa với nhau để tăng âm lượng. Giao diện của phần mềm cũng rất dễ sử dụng, nhưng cũng không thực sự cần thiết, nên nếu người dùng chỉ sử dụng 1 loa thì thậm chí không cần tải về cũng có thể sử dụng loa một cách bình thường.
Chất âm
Với Boom 3, ta có hệ thống 2 màng loa 2" và 2 màng rung thụ động, với 2 màng rung có nhiệm vụ đẩy mạnh tiếng bass để chất âm trở nên sôi động hơn. Nhưng giống hệt với phiên bản Boom 2, Boom 3 mặc dù được hãng quảng cáo nhiều cho việc chơi bass nhưng chất âm cuối cùng lại khá nhẹ ở dải này. Tổng thể âm của Boom 3 hơi ngả sáng, sạch sẽ.
Âm bass có lượng trung bình, và tất nhiên là không thể bằng được so với dòng eXtra Bass của Sony. Trong bài Mojave, tiếng trống đập xuống có lực ổn, nhưng được chơi với tốc độ nhanh nên không xuống được tới phần sub-bass. Sub-bass có vẻ gặp hiện tượng roll-off hơi sớm, mà theo mình là cần được đẩy xuống thêm một chút nữa thì sẽ tạo ra chất âm mạnh mẽ hơn. Phần mid-bass thì thể hiện ổn, có độ punchy vừa đủ để âm trống đập xuống không bị lẹp bẹp. Nhìn chung, âm bass này phù hợp với các bài Pop tốc độ cao hơn là EDM dạng 'xập xình'. Người dùng cũng có thể sử dụng tính năng EQ trong phần mềm để chỉnh thêm, nhưng theo kinh nghiệm của mình thì EQ khó có thể bằng được chất âm được tinh chỉnh từ nhà máy.
Đứng cạnh bass gọn gàng nên giọng ca cũng có nhiều đất diễn hơn, khi tiến gần hơn người nghe và tách được xa so với nền âm. Trong Don't keep your distance của Tongli, giọng ca sĩ nữ có thiên hướng sáng, nhưng đủ độ dày để không bị chói. Đoạn high mid lên vừa đủ cao, nên tạo được độ airy cần thiết cho các giọng nữ. Nhưng cũng phải nói, kiểu mid đậm đà và ấm áp của Sony eXtra Bass sẽ có lợi hơn cho các giọng nam, cần sự mạnh mẽ, trầm hùng. Nhưng khi nhìn tổng quát mình vẫn đánh giá cao cách thể hiện của UE Boom 3 hơn, khi không làm giọng ca sĩ dính vào bass.
Dải treble của loa cũng không hề tệ chút nào, với lượng dầy dặn và không bị roll off một cách quá sớm. Âm chuông gió trong bài nhạc Windrider sạch sẽ, chơi được tơi giữa các tiếng nên không bị dính chùm. hãng vẫn có thể làm treble sắc hơn một chút nữa nếu muốn, nhưng theo mình là dừng ở mức này sẽ giúp cho người dùng dễ dàng phối nhạc hơn. Dải treble của Boom 3 nhỉnh hơn so với XB31, XB41 nên với những ai muốn có chất âm ngả sáng thì nên chọn UE thay vì Sony.
Tổng kết
Giống với Sony eXtra bass, dòng Boom của Ultimate Ears rất khó để chê từ thiết kế các tính năng và chất âm cuối cùng. Cũng giống như bản Boom 2, Boom 3 hướng tới đối tượng người dùng muốn có một chất âm cân bằng, không bị dư bass như các chiếc loa của Sony. Phiên bản 3 cũng cho ta thấy được hướng đi mới của UE, khi không còn cổng nghe nhạc 3.5mm nữa, cho thấy rằng thị trường di động đang chuyển dần sang sử dụng không dây hoàn toàn, một điều cũng dễ hiểu khi các smartphone đều đang dần bỏ cổng nghe nhạc.
Ưu điểm
- Thiết kế chắc chắn
- Chuẩn chống nước và bụi IP67
- Thời lượng pin lâu
- Không bị trễ so với nguồn
- Chất âm sáng, sạch sẽ
Nhược điểm
- Đã từ bỏ hẳn cổng 3.5mm
- Âm trầm không nổi bật như Sony eXtra Bass