Giỏ hàng

So sánh ba mẫu tai nghe TWS tầm trung được nhiều người chọn

Tai nghe không dây hoàn toàn (true wireless) đang ngày càng tốt và ngày càng rẻ, minh chứng rõ ràng nằm ở 3 cặp tai nghe Jabees Firefly TWS, MEE audio X10 và Padmate PaMu Scroll. 3 thiết kế, 3 kiểu âm, 3 triết lý hoàn thiện sản phẩm song những sản phẩm này đều có một điểm chung: đều là những lựa chọn không thể bỏ qua ở tầm giá 2 triệu đồng. Ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng thực hiện một phép so sánh nho nhỏ, để xem liệu có cặp tai nghe nào 'nhỉnh' hơn, đáng tiền hơn hay không.

Thiết kế / Tính năng

- Phụ kiện

 

Trong 3 sản phẩm, mình đáng giá cao phụ kiện của cặp Firefly nhất, khi đã chuyển sang dùng dây USB Type-C mới nhất, kèm theo đó là một bộ mút và đệm vành tai rất đầy đủ. Tiếp theo là đến Mee Audio X10, cũng đã chuyển sang USB Type-C nhưng chỉ dừng lại ở 2 bộ đệm cao su mà thôi. Đứng cuối cùng là cặp Padmate PaMu Scroll với dây sạc micro USB dạng cũ, cũng với chỉ 2 bộ đệm cao su.

Hộp sạc

 

Thứ tự này được 'lật ngược' 180 độ với Scroll đứng đầu, với một hộp sạc 'thời thượng' nhất trong những cặp tai nghe true wireless mình được thử từ trước đến nay, với kiểu mở như một cuốn sách Trung Quốc, với mặt ngoài được làm bằng da trang trí siêu đẹp!

Vị trí thứ 2 thuộc về Mee X10, với hộp sạc nhỏ nhắn, không màu mè nhưng có thời lượng pin rất lâu - lên tới 23 tiếng nếu được sạc đầy. Cặp Firefly rất đáng tiếc phải bị đặt ở vị trí thứ 3, khi có hộp sạc thiết kế lớn nên tính di động không cao bằng 2 cặp còn lại, cũng như cho thời lượng chỉ dừng lại ở 12 tiếng.

 

Phần đeo tai

 

Đây là một phần rất khó so sánh, vì cả 3 cặp tai nghe đều có phần đeo tai nghe được thiết kế tốt, đeo thoải mái mà không hề gây cấn. Cá nhân mình sẽ phải đặt cặp Mee X10 lên đầu, khi có ống nozzle được đặt chéo nên bám chắc tai nhất, dùng đi tập thể dục cũng không rơi ra, kèm theo đó là hệ thống điều khiển rất đầy đủ các thao tác.

Cặp Firefly lại lợi thế là hai bên trái phải giống hệt nhau, trong nhiều trường hợp người dùng có thể hoán đổi 2 ben trái phái cho phù hợp với nhu cầu thực tế, hệ thống điều khiển ấn tượng không thua kém gì so với Mee X10. PaMu Scroll có phần đeo tai được thiết kế vẫn rất tốt, nhưng lại thiếu đi khả năng điều khiển được đầy đủ mọi tính năng như 2 cặp tai nghe còn lại. Những ai đầu tư sản phẩm này sẽ phải rút điện thoại hoặc máy nghe nhạc ra để điều chỉnh thông số nhiều hơn.

PaMu Scroll lại ăn điểm nhất về khả năng chống nước, khi được trang bị chuẩn chống nước cao IPX6, có thể nhúng chìm được lâu hoặc chống chịu nước phun áp suất mạnh. 2 cặp còn lại đều được trang bị chuẩn IPX5, vẫn rất cao và đáp ứng được mọi nhu cầu sử dụng thông thường, chỉ là không bằng được so với Scroll mà thôi.

Trải nghiệm thực tế

Khả năng kết nối


Jabees, Mee và PaMu đều đủ 'thông minh' để trang bị cho cặp tai nghe không dây hoàn toàn của mình chuẩn Bluetooth 5.0 mới nhất, với độ trễ rất thấp và tính ổn định cao, không thua kém gì những cặp tai nghe không dây dạng vòng cổ hoặc có dây nối giữa 2 bên. Nhưng Mee X10 nhỉnh hơn 1 chút khi được trang bị chuẩn Bluetooth 5.0 thế hệ 3, tức có thể gọi điện cũng như sử dụng mic được bằng cả 2 bên tai giúp cho chất lượng đàm thoại tốt hơn.

Nếu chỉ tính về khả năng chơi nhạc, xem phim và chơi game thì cả 3 cặp tai nghe này đều hòa, sự khác biệt của Mee X10 có lợi nhất cho những người gọi tới mà thôi, tùy thuộc vào cách sử dụng của từng người mà lợi điểm này là lớn hay nhỏ! Cá chân mình thường liên lạc với bạn bè bằng cách nhắn tin chứ không gọi điện nên điểm khác biệt này không tạo nên sự khác biệt quá lớn. Ngược lại, với những ai là doanh nhân liên tục phải gọi điện với nhân viên, đối tác thì đây lại là một điểm đáng lưu ý khi chọn giữa 3 sản phẩm.

Chất âm

+ Bass

Trong 3 cặp tai nghe thì Padmate PaMu Scroll có chất âm 'bassy' nhất, có lượng trầm nhiều và có cách chơi mạnh về lực, ấn tượng ngay từ những lần đầu nghe. Đây cũng là điều dễ hiểu, khi dòng quảng cáo lớn nhất khi nói về chất âm của cặp tai nghe này ở trang Indigogo là 'Deep Bass', bên ai là bass-head thì chắc chắn sẽ hướng tới cặp tai nghe này.

Cả Mee X10 và Firefly đều có lượng trầm 'tiết kiệm' hơn đôi chút, nhưng cách thể hiện lại có đôi chút khác nhau. Thử với bài Uptown Girl của Westlife, Mee X10 cho một chất trống mềm và ấm áp hơn so với Firefly với kiểu chơi tốc độ cao và gần như ngắt ngay khi xuống tới sub-bass. Nói như vậy không có nghĩa là Mee X10 có bass kéo đuôi, ngược lại hoàn toàn khi nó giữ được tiết tấu nhanh chóng cho tất cả các bài hát, chỉ là so với bass của Firefly thì ta thấy nó đậm và chậm hơn thôi.

Mid

Cách thể hiện dải trung của Firefly và Mee X10 khá tương đồng, khi đều có chất tối nhẹ và ấm, có hơi hướng giống với những cặp tai nghe Sennheiser CX. Mình thích kiểu âm này, đặc biệt là với những bài Jazz, Ballad nhẹ nhàng và chậm rãi như That's where I belong của Alexis Cole. Phần high-mid của cả 2 cặp tai nghe đều được 'cắt gọt' đi đôi chút, nên không đạt được những độ sáng để có thể thể hiện hoàn hảo các giọng nữ soprano nhưng không xảy ra sibalance.

PaMu Scroll lại đi theo một hướng khác, có giọng ca sĩ mỏng hơn và cũng sáng hơn. Phần high mid của cặp tai nghe này được đẩy cao hơn, nên có thể trở thành ưu điểm với các ca sĩ nữ nhưng lại xảy ra hiện tượng sibalance nếu lên quá cao. Mỗi người sẽ có một ý kiến riêng về sibalance, có người lại thích hiện tượng này vì nói rằng nó thêm 'gia vị' cho bài hát, nhưng nếu đánh giá một cách chủ quan thì nó sẽ giới hạn khả năng phối nhạc so với Firefly và Mee X10.

Treble

Khi đến tới dải âm cuối cùng, Mee X10 nổi bật lên là 'người đi trước' với âm treble có lượng đủ dùng, thể hiện được độ sáng nhưng vẫn mang tính ngọt và dễ nghe. Những cặp tai nghe Mee Audio mới đều có âm treble tốt, không qua mặt được những cặp tai nghe dạng sáng nhưng không còn 'thọt' như những thế hệ đầu tiên nữa.

Cả Firefly và PaMu Scroll đều tụt lại phía sau, vì không thể hiện được âm treble một cách toàn diện. Firefly thì có lượng trung bình, nhưng bị roll off hơi sớm nên không để lại nhiều ấn tượng khi nghe. Ngược lại Scroll có lượng treble không nhiều, nhưng lên đến những nốt cao nhất nên đôi lúc gặp hiện tượng sibalance.

+ Vậy cặp tai nghe nào nhỉnh hơn về chất âm?

Sau khoảng 10 giờ nghe với mỗi cặp tai nghe, mình cảm thấy có cảm tình với chất âm của Mee Audio X10, có lẽ vì đã quen với chất âm 'Mee' sau khi thử một loạt các cặp tai nghe của hãng này rồi. Điểm làm mình thấy thích nhất ở cặp tai nghe này đó là phần bass và mid đã làm rất tốt ở các cặp tai nghe cũ được giữ nguyên, nhưng có thêm một chút treble sáng để làm mọi thứ trở nên cân bằng, dễ dàng phối nhạc.

Nhưng dù sao đây cũng chỉ là ý kiến cá nhấn, Firefly và PaMu Scroll cũng đều có những điểm mạnh khác nhau để dành cho những đối tượng khách hàng khác nhau. Việc so sánh chất âm của bộ 3 tai nghe này có lẽ nên được thực hiện trên thực tế, với nhạc của mỗi người để đi đến quyết định chính xác cuối cùng.

Lời kết

Nếu 2018 là năm của tai nghe không dây, thì 2019 là năm của những tai nghe không dây hoàn toàn. 3 cặp tai nghe có mặt ngày hôm nay đều là những đại diện sáng giá, với những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Cá nhân mình sẽ chọn Mee Audio X10, với thời lượng pin 'đỉnh' và chất âm cũng dễ phối nhạc nhất. Nhưng ngược lại 2 cặp tai nghe còn lại cũng không tệ một chút nào, chắc chắn mỗi người sẽ có một đánh giá khác nhau, không bất cứ lựa chọn nào là 'sai' trong 3 sản phẩm này cả!

Khuyến cáo về vấn đề sạc: Những cặp tai nghe không dây đều sử dụng pin dung lượng nhỏ, người dùng nên sử dụng với nguồn sạc 5V 1A (đầu cắm sạc iPhone chính hãng hoặc USB từ laptop) để đảm bảo pin được sạc an toàn nhất. Tránh sử dụng các đầu sạc nhanh, sạc máy tính bảng, sạc 5V 2A, pin của tai nghe không chịu được tải sẽ có nguy cơ hỏng hoàn toàn!

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Danh sách so sánh